Lãnh đạo cơ quan giám sát năng lượng nguyên tử của Liên hợp quốc cảnh báo rằng một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Iran sẽ biến Trung Đông thành một "chảo lửa" và buộc Tehran phải gấp rút phát triển vũ khí hạt nhân.
Tổng giám đốc IAEA Mohamad ElBaradei
Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên kênh truyền hình Al Arabiya hôm 20/6, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamad ElBaradei khẳng định: "Theo ý kiến của tôi, một cuộc tấn công quân sự sẽ còn tồi tệ hơn bất kỳ điều gì khác. Nó sẽ biến khu vực thành một chảo lửa".
Theo ông ElBaradei, bất kỳ vụ tập kích nào cũng khiến nước Cộng hoà Hồi giáo kiên quyết hơn trong chiến dịch đối đầu với phương Tây về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của họ. Tất cả người dân Iran, kể cả những người đang sinh sống ở phương Tây, sẽ ủng hộ động thái này của chính quyền Tehran.
"Nếu xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran tại thời điểm này ... thì tôi sẽ không thể tiếp tục công việc của mình được nữa", ông ElBaradei nói thêm, ám chỉ tới khả năng sẽ từ chức.
Hôm thứ sáu, Nga cũng cực lực phản đối các đe doạ quân sự đối với Tehran sau khi tờ New York Times trích dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng Israel đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô như nỗ lực diễn tập một vụ đánh bom vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Phái viên Nga tại Liên hợp quốc khuyến cáo rằng việc đe doạ Iran bằng các biện pháp trừng phạt quân sự có thể phá hoại nỗ lực mới của 6 cường quốc trong việc giải quyết tranh cãi với Tehran.
Trưởng Ban chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Javier Solana đã tới Tehran hồi tuần trước để thương thuyết về vấn đề trên. Theo các nhà ngoại giao, ông Solana đã thay mặt các cường quốc đề nghị Iran tham dự những cuộc đàm phán sơ bộ về chương trình hạt nhân của họ cũng như việc ngăn cản áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nếu Tehran giới hạn hoạt động làm giàu uranium tới mức như hiện tại trong vòng 6 tuần.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục cáo buộc Iran đang theo đuổi việc sản xuất bom hạt nhân. Washington phủ nhận khả năng tiến đánh Iran nhưng quả quyết sẽ tập trung gây áp lực ngoại giao đối với Tehran.
Chính quyền Iran vẫn khăng khăng rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ những mục đích hoà bình và phát điện. Tuy nhiên, Tehran cương quyết từ chối ngưng làm giàu uranium bất chấp 3 đợt cấm vận của LHQ từ năm 2006.
Tehran mới đây cũng khước từ những đề xuất ngừng làm giàu uranium để đổi lấy các lợi ích kinh tế. Một quan chức Mỹ nhận định lập trường này có thể dẫn tới một lệnh trừng phạt mới chống Iran.
Ông ElBaradei lại cho rằng chỉ mình các lệnh vận cấm vận không thể mang lại hiệu quả trong việc thuyết phục Iran. Theo lãnh đạo IAEA, các bên liên quan cần tiến hành nhiều cuộc đối thoại quốc tế hơn nữa.
-
Thanh Bình (Theo Reuters)