221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1079588
Tổng thống Bush và di sản Triều Tiên
1
Article
null
Tổng thống Bush và di sản Triều Tiên
,

Tổng thống Mỹ Bush từ chối sử dụng từ ’’di sản’’ song rõ ràng ông đang nghĩ về từ này. Liệu một thỏa thuận với Triều Tiên có phải là hy vọng duy nhất của ông cho một di sản về chính sách đối ngoại?

Tổng thống Bush (Reuters)
Trong suốt chuyến thăm tạm biệt châu Âu cách đây hai tuần, ông Bush tỏ ra khác xa với bản thân ông năm 2003 khi ông sẵn sàng một mình phát động cuộc xâm lược Iraq. ’’Một trong những điều mà tôi sẽ để lại là chủ nghĩa đa phương nhằm đối phó với những bạo chúa, để giải quyết các vấn đề bằng con đường ngoại giao’’, ông Bush phát biểu tại một cuộc họp báo.

Trong những lời bình luận mà Tổng thống Mỹ đưa ra, ông không chỉ đề cập tới Iran mà còn tới Triều Tiên. Mỹ đang tăng cường các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng về giải trừ hạt nhân trong khuôn khổ của các cuộc đàm phán sáu bên, gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.

Hoạt động ngoại giao diễn ra nhộn nhịp trong vài ngày qua, với những thông báo rằng Triều Tiên có thể sớm giao nộp tài liệu liên quan tới mọi hoạt động hạt nhân của nước này - khúc dạo đầu cho việc đóng cửa chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẽ cho nổ tung tháp làm lạnh của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon trong tuần này.

Người cầm lái

Lập trường của ông Bush ngày nay khác xa năm 2002 khi ông liệt Triều Tiên vào ’’trục ma quỷ’’. Tuy nhiên, một sự kiện và một nhân vật đã góp phần làm thay đổi lập trường của chính quyền Bush.

Khi Bình Nhưỡng làm thế giới sửng sốt bằng cách cho nổ một quả bom hạt nhân vào tháng 10/2006, Christopher Hill - chuyên gia của Bộ Ngoại giao Mỹ về châu Á - bắt đầu tới Triều Tiên thường xuyên.

’’Khi các bạn nỗ lực đàm phán với họ, bạn chống lại nhiều người mà nói rằng tại sao chúng ta lại đàm phán với những kẻ không giữ lời hứa trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu đọc các bài diễn văn ở Washington có thể giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ ở Washington và đọc diễn văn’’, ông Hill nói.

Để đổi lấy việc từ bỏ chương trình hạt nhân, Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ kinh tế và ngoại giao. Các nhà chỉ trích những cuộc đàm phán này nói rằng đây là một dạng nhân nhượng. Tuy nhiên, đối với chính quyền Bush, một thỏa thuận với Triều Tiên có thể là hy vọng tốt nhất cho một thành công đích thực về chính sách đối ngoại.

’’Christopher Hill đóng vai trò quan trọng đối với thành công của chính sách về Triều Tiên, bởi ông là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, rất muốn đạt được một thỏa thuận. Ông có kinh nghiệm đàm phán ở Balkans, hiệp ước Dayton trong những năm 1990. Ông cứu vãn tình thế khi Ngoại trưởng Mỹ Rice sẵn sàng thay đổi chính sách và có thể thúc đẩy tình hình đó tiến triển bất chấp sự phản đối của một nhóm chính trị gia tân bảo thủ mà hiện đã bị đánh bại trong chính quyền Bush’’, phóng viên David Sanger của tờ New York Times nhận xét.

Không hành lý

Trước đây, ông Hill không phải là một chuyên gia về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đó là một nhân tố tích cực, theo GS Victor Cha, một cựu giám đốc về châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và hiện là giáo sư ở ĐH Georgetown, người làm phụ tá cho ông Hill tại các cuộc đàm phán sáu bên năm 2006.

’’Ông ấy không có hành lý hay gánh nặng của những người khác, những người đã thử sức trước ông. Ông được bà Rice đích thân lựa chọn. Về tổng thể, nhóm đàm phán Mỹ là một nhóm rất tốt và có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong nhóm, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng’’, GS Cha nói.

Nhờ vậy, đã có những tiến bộ thực sự: Bình Nhưỡng đã đóng cửa lò phản ứng hạt nhân, các cơ sở then chốt và cung cấp khoảng 18.000 trang tài liệu kỹ thuật về công việc ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon kể từ năm 1986. Tuy nhiên, Triều Tiên đã lỡ một hạn chót 12/2007 giao nộp tất cả tài liệu về mọi hoạt động hạt nhân trong quá khứ của nước này, từ tích trữ plutonium cho tới làm giàu uranium và phổ biến hạt nhân cho nước khác.

Điều đang khiến các nhà chỉ trích tức giận là rằng chính quyền Bush dường như chỉ đang chú trọng vào hoạt động sản xuất plutonium của Tỉều Tiên và nhân nhượng trước những yêu cầu rằng nước này tiết lộ các hoạt động làm giàu uranium và phổ biến hạt nhân.

Cũng có những lời cáo buộc rằng chính quyền Bush đã không thông báo cho Quốc hội việc Israel không kích một lò phản ứng hạt nhân được cho là của Triều Tiên tại Syria hồi tháng 9/2007.

’’Nếu họ đạt được một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán sáu bên hoặc các thỏa thuận khác, sẽ rất khó để Quốc hội thông qua những thỏa thuận này bởi họ thực sự đã làm tổn hại mối quan hệ giữa Quốc hội và chính quyền Bush’’, Nghị sĩ Cộng hòa Pete Hoekstra nói hồi tháng 4/2008, sau khi chính quyền Bush báo cáo Quốc hội về cuộc không kích này.

Sự phán xét của lịch sử

Những người phản đối thỏa thuận với Triều Tiên cho rằng chính quyền Bush, do muốn một thành công về đối ngoại, coi Triều Tiên là thành tựu duy nhất trong tầm với.

’’Trong tâm trí họ hoặc ít nhất trong tâm trí của Ngoại trưởng Mỹ, người thực sự đi đầu trong việc này, có rất ít thành công, chẳng có gì cho các cuốn sách lịch sử. Do vậy, chính quyền Bush hy vọng nếu họ giả vờ rằng có một thỏa thuận với Triều Tiên và tất cả mọi người nói rằng có một thỏa thuận, sau đó lịch sử sẽ phán xét’’, Danielle Pletka, một chuyên gia nghiêng về cánh tả ở Washington nói

Victor Cha không tin chính quyền Bush sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên.

Trong khi đó, ông Hill tiếp tục đi lại giữa Washington và châu Á, vẫn hy vọng về một thỏa thuận. ’’Đàm phán với Triều Tiên trong nhiều năm qua, khi bạn nhìn vào tất cả các cuộc đàm phán đã thất bại, thỏa thuận với  Triều Tiên giống như một cuộc hôn nhân thứ năm - một chiến thắng của hy vọng đối với kinh nghiệm’’, ông Hill nói.

Cuộc hôn nhân thứ năm có thể đang ở trong tầm với, với mọi nỗ lực ngoại giao và việc phá hủy tháp làm lạnh ở Yongbyon.

Các thành viên khác của các cuộc đàm phán sáu bên đã ám chỉ rằng họ có thể chấp nhận một tuyên bố không đầy đủ của Triều Tiên để khai thông bế tắc. Tuy nhiên, hành động này sẽ khiến cho những người phản đối việc Mỹ theo đuổi một thỏa thuận với Bình Nhưỡng thêm tức giận.

Luôn có khả năng thất bại và Tổng thống Bush chắc sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ ở Quốc hội, đặc  biệt là khi ông đề nghị loại Triều Tiên khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, rõ ràng ông cũng đang chuẩn bị đưa Triều Tiên vào danh sách các thành công đối ngoại của ông.

  • Minh Sơn (theo BBC)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,