Tổng thống Mỹ Bush tin rằng vấn đề hạt nhân của Iran có thể được giải quyết bằng ngoại giao và các đồng minh của Mỹ, kể cả Israel, cũng ủng hộ biện pháp này, Nhà Trắng tuyên bố hôm 25/6.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ New York Times đưa tin hồi tuần trước rằng Israel đã chuẩn bị cho khả năng không kích Iran.
Tổng thống Bush
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cũng nhấn mạnh biện pháp ngoại giao, nói rằng các cường quốc phương Tây tiếp tục chính sách kép: cấm vận và ngoại giao đối với Iran do chương trình hạt nhân của nước này, bất chấp những cảnh báo của Tehran rằng chính sách này có thể phản tác dụng.
Được hỏi liệu các quan chức Israel có đang gây sức ép để chính quyền Bush tấn công quân sự vào Iran hay không trước khi ông Bush mãn nhiệm, phát ngôn viên Dana Perino của Nhà Trắng nói rằng Mỹ và các đồng minh của Mỹ, kể cả Israel, muốn một giải pháp ngoại giao.
Tranh cãi giữa phương Tây và Tehran về chương trình hạt nhân của Iran đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự và nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng cho thế giới. Israel, quốc gia duy nhất ở Trung Đông được cho là có vũ khí hạt nhân, đã mô tả chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước Do Thái.
Tờ New York Times hôm 20/6 đã trích lời các quan chức Mỹ rằng Israel đã tiến hành một cuộc tập trận lớn, rõ ràng chuẩn bị cho kịch bản tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tổng thống Mỹ đã thảo luận về vấn đề Iran với các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ tại Nhà Trắng hôm 25/6. ’’Chúng tôi đã nói một chút về Iran và cách Hội đồng Bảo an sẽ gửi một thông điệp rằng thế giới thực sự mở ra một con đường tốt hơn cho Iran, chứ không phải sự cô lập, nếu họ ngừng chương trình làm giàu uranium’’, ông Bush nói.
Tuy nhiên, Tehran vẫn giữ nguyên lập trường, nói rằng chương trình làm giàu uranium nhằm phục vụ sản xuất điện năng, chứ không phải sản xuất bom như phương Tây lo ngại. Thứ trưởng Ngoại giao Iran nói rằng quốc gia sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới này sẽ rút các tài sản khỏi châu Âu trước nguy cơ EU tăng cường trừng phạt Iran.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Iran là ông Ali Larijani đã cảnh báo phương Tây không nên ’’khiêu khích’’ Iran. Các biện pháp trừng phạt mới mà EU áp đặt trong tuần này có thể làm tổn hại các nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp trên. Vệ binh Cách mạng Iran đã cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với ’’bi kịch’’ nếu tấn công Iran.
Ủy viên chính sách đối ngoại của EU là ông Javier Solana hôm 14/6 đã trao cho Iran một đề xuất mới của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức. Với những ưu đãi về thương mại và các ưu đãi khác, họ hy vọng đề xuất có thể giúp chấm dứt bế tắc hiện nay - bế tắc phần nào khiến giá dầu tăng vọt. Cho tới nay, Iran vẫn chưa đáp lại đề xuất này.
Các chuyên gia năng lượng lo ngại mọi xung đột ở Iran có thể khiến eo biển Hormuz bị phong tỏa. Đây là tuyến đường thủy tách Iran với bán đảo Ảrập và khoảng 40% lượng dầu mỏ được buôn bán trên thế giới đi qua eo biển này.
-
Minh Sơn (theo Reuters)