221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1079928
Triều Tiên giao nộp tài liệu hạt nhân
1
Article
null
Triều Tiên giao nộp tài liệu hạt nhân
,

Triều Tiên đã trao tài liệu được mong chờ bấy lâu về chương trình hạt nhân của nước này cho Trung Quốc, hoàn thành một bước đi quan trọng trong tiến trình giải trừ hạt nhân, các nhà ngoại giao cho biết hôm 26/6.

Tổng thống Bush (AP)
Ngoài việc cung cấp thông tin về các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, tuyên bố hạt nhân nói trên còn cung cấp chi tiết về các hoạt động làm giàu plutonium, đặc biệt là các số liệu có thể thẩm tra về lượng plutonium mà nước này nắm giữ.

Tuy nhiên, tài liệu vẫn không trả lời câu hỏi Triều Tiên hiện có bao nhiêu bom hạt nhân và các chi tiết về chương trình làm giàu uranium.

Trưởng đoàn đàm phán Christopher Hill của Mỹ nói rằng plutonium là ’’trung tâm của trò chơi bởi đó là nguyên liệu để làm bom’’. Tài liệu mà Triều Tiên giao nộp hôm 26/6 cũng sẽ không tiết lộ cách nước này đã giúp Syria xây dựng lò phản ứng hạt nhân. Cơ sở này, bị máy bay chiến đấu Israel phá hủy vào tháng 9/2007, rất giống với lò phản ứng Yongbyon.

Thận trọng

Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Bush đã hoan nghênh động thái này một cách thận trọng, nói rằng Mỹ vẫn có ’’những lo ngại sâu sắc’’ về Bình Nhưỡng. Ông tuyên bố dỡ bỏ các lệnh cấm vận thương mại chủ chốt chống Triều Tiên và đã chính thức thông báo cho Quốc hội Mỹ về ý định loại Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố trong vòng 45 ngày, nếu tuyên bố hạt nhân của Triều Tiên là đầy đủ.

’’Tôi hài lòng về sự tiến bộ này. Tôi không có ảo tưởng về chế độ ở Bình Nhưỡng. Chúng tôi vẫn lo ngại sâu sắc về quyền tự do ở Triều Tiên, các hoạt động làm giàu uranium, việc thử nghiệm và phổ biến hạt nhân, các chương trình tên lửa đạn đạo và mối đe dọa của nước này đối với Hàn Quốc và các nước láng giềng. Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên, không phải là sự kết thúc của tiến trình giải trừ mà là sự khởi đầu của tiến trình đó’’, ông Bush phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.

’’Nếu Triều Tiên tiếp tục có những lựa chọn đúng, quốc gia này có thể hàn gắn quan hệ với cộng đồng quốc tế... Nếu Triều Tiên lựa chọn sai lầm, Mỹ và các đối tác trong các cuộc đàm phán sáu bên sẽ có những hành động đáp trả tương ứng’’, ông Bush nói thêm.

Ông Bush tuyên bố hành động của Mỹ sẽ có ít tác động tới sự cô lập ngoại giao và tài chính đối với Triều TIên. ’’Triều Tiên vẫn là một trong những quốc gia bị cấm vận nặng nề nhất trên thế giới’’, ông Bush nói. Chẳng hạn mọi lệnh cấm vận của LHQ sẽ vẫn có hiệu lực. Ông Bush cho biết Mỹ sẽ giám sát Triều Tiên chặt chẽ trong 45 ngày để chắc chắn Triều Tiên đã thực hiện lời hứa và ’’nếu họ không hoàn thành lời hứa của họ, sẽ có thêm các biện pháp cấm vận’’.

Nhiệm vụ khó khăn

Việc giao tài liệu này diễn ra muộn hơn 6 tháng so với hạn định và là một phần của nỗ lực quốc tế giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan nói rằng sẽ ’’rất đáng tiếc’’ nếu tuyên bố trên thiếu các chi tiết về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Tại Triều Tiên, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và các phóng viên nước ngoài đã được mời tới chứng kiến việc phá hủy một tháp làm lạnh tại lò phản ứng Yongbyon vào ngày 27/6 - tín hiệu rõ ràng về cam kết của Triều Tiên đối với thỏa thuận giải trừ hạt nhân sáu bên.

Kể từ khi nhất trí chấm dứt các hoạt động hạt nhân vào tháng 2/2007, Triều Tiên đã đóng cửa lò phản ứng ở Yongbyon. Tuy nhiên, đạt được thỏa thuận với Triều Tiên về giai đoạn giải trừ tiếp theo - tuyên bố về các hoạt động hạt nhân trong quá khứ - là một nhiệm vụ khó khăn. Theo các nhà phân tích, phần gai góc nhất của các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ tập trung vào số phận của các quả bom hạt nhân và các loại vật liệu hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ nói tại một hội nghị G8 ở Nhật Bản rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để xác minh liệu Bình Nhưỡng đã từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân hay chưa. Có khả năng Quốc hội Mỹ sẽ ngăn chặn việc Nhà Trắng loại Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố bởi các nghị sĩ bảo thủ đã chỉ trích chính quyền Bush, nói rằng tuyên bố của Triều Tiên thiếu các chi tiết mà chính quyền này đã từng yêu cầu trước đây.

Trong khi đó, Nhật Bản lo ngại việc làm này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực tìm tung tích của các công dân Nhật Bản bị Bình Nhưỡng bắt cóc cách đây 20 năm.

  • Minh Sơn (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,