Cảm nhận được sức ép ngày càng lớn của lạm phát, giờ đây, các quốc gia châu Á đang nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống giá cả leo thang.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 5, tỉ lệ lạm phát tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Giá lúa gạo tăng mạnh. Lạm phát cao dẫn đến sự sụt giảm về tốc độ phát triển kinh tế, điển hình là với thị trường chứng khoán.
Người tiêu dùng Trung Quốc chóng mặt với giá cả tăng từng ngày (Ảnh Cri)
Các nền kinh tế khác ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, cũng đều đang phải đối mặt với áp lực tương tự. Trong tháng 5, Indonesia thông báo tỉ lệ lạm phát trên 10%, Philippines là 9,6%, Ấn Độ 8% và Thái Lan là 7,6%. Thậm chí đối với Singapore, quốc gia khá vững mạnh về kinh tế, cũng có mức lạm phát cao nhất trong 26 năm nay là 7,5%.
Tình hình này phù hợp với cảnh báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thời gian gần đây. Cho rằng, lạm phát là ‘’nguy cơ lớn nhất’’ với châu Á trong vài năm tới, ADB dự báo, tỉ lệ lạm phát trong châu lục sử ở mức cao kỷ lục trong 10 năm nay – 5,1% trong năm 2008 hoặc có thể cao hơn và đe doạ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực.
Theo ADB, lạm phát gia tăng nguyên nhân chính do giá dầu và các sản phẩm liên quan tới lương thực tăng cao. Thống kê cho thấy, giá dầu tăng 140 USD/thùng trong tháng này, gấp đôi so với một năm trước đây. Cùng thời điểm đó, giá hàng hóa nông nghiệp toàn cầu tăng hơn 8% trong năm nay, sau khi đạt mức tăng 41% trong năm 2007.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách tiền tệ nới lỏng được các nền kinh tế châu Á áp dụng nhiều năm qua nhằm phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, cũng là nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao.
ADB khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách tài chính, tiền tệ châu Á cần ‘’nhận thức rõ lạm phát là nguy cơ rất lớn’’ và áp dụng mọi biện pháp kiềm chế lạm phát. "Châu Á có câu chuyện tăng trưởng rất tốt. Chúng ta cần tập trung vào áp lực lạm phát, nếu không, sự thành công từ trăng trưởng sẽ bị nguy hiểm’’, Rajat Nag, Tổng giám đốc ADB cảnh báo.
Theo ông Rajat, nếu lạm phát khó ngăn chặn, nó sẽ ảnh hưởng lớn tới tầng lớp người nghèo châu Á. "Lạm phát là hình thức thuế tồi tệ nhất với người nghèo, nó ảnh hưởng tới họ hơn là ảnh hưởng tới những người giàu’’, ông Rajat nói.
Mặc dù trong nhiều năm gần đây, một số nền kinh tế đã rất thành công về phát triển kinh tế, nhưng khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn tới 1,5 tỉ người nghèo, chiếm 2/3 dân số thế giới sống ở mức thu nhập dưới 2USD/ngày.
Hiện nay, các nền kinh tế châu Á đã đưa kiềm chế lạm phát lên là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Ở Việt Nam, ngân hàng nhà nước đã tăng tỉ lệ lãi suất ba lần trong năm nay, và tuyên bố tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong sáu tháng cuối năm. Bên cạnh đó, chính phủ quyết định cắt giảm chi tiêu công, và tính đến thời điểm này, khoảng 1.000 dự án đầu tư công cộng kém hiệu quả đã bị dừng lại hoặc hoãn thực hiện.
Chính phủ Việt Nam cũng tập trung vào việc giám sát chặt chẽ hệ thống tín dụng như chất lượng tín dụng, cho vay đầu tư bất động sản, cho vay tiêu dùng…
Những chính sách tương tự cũng đã được thông qua ở hầu khắp châu Á. Ngân hàng trung ương Indonesia tăng tỉ lệ lãi suất lên mức 8,5% trong tháng này. Tại Philippines, cùng với việc nâng tỉ lệ lãi suất, chính phủ đã tiến hành trợ cấp cho người nghèo nhằm giúp họ đối phó với ảnh hưởng giá cả leo thang.
Dĩ nhiên, vấn đề là thời gian để các biện pháp thực thi trở nên có hiệu quả.
Theo các nhà kinh tế học, châu Á cần đảm bảo cân bằng giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát với tăng trưởng nội địa.
Nhiều nền kinh tế châu Á đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến. Việt Nam dự báo tăng trưởng ở mức 7-7,5% trong năm 2009 so với mức 8,5% năm ngoái. Philippines phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,7-6,5% năm nay (so với mục tiêu ban đầu là 6,3-7%)
Một nhà phân tích khẳng định, tình hình phát triển kinh tế, khả năng kiềm chế lạm phát ở châu Á sẽ phụ thuộc vào việc thực thi chính sách tiền tệ và tài chính hợp lý của mỗi chính phủ.
-
Kỳ Thư (Theo Tân Hoa xã)