Tòa án Hiến pháp Thái Lan, hôm qua (8/7), tuyên bố Ngoại trưởng Noppadon Pattama đã vi phạm hiến pháp khi ký thông cáo chung với Campuchia, dù không được Quốc hội tán thành về việc Phnom Penh đề nghị UNESCO công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới.
Đền Preah Vihear đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. (Ảnh: Reuters)
Hãng thông tấn Thái Lan cho hay, với tỷ lệ bỏ phiếu 8-1, Ban Hội thẩm gồm 9 thành viên nhất trí rằng thông cáo chung giữa Thái Lan và Campuchia, được ký bởi Ngoại trưởng Noppadon và Phó Thủ tướng Campuchia Sok An hôm 18/6, được xem là một thỏa thuận quốc tế theo Điều 190 của Hiến pháp và cần được Quốc hội tán thành trước khi ký.
Điều 190 Hiến pháp Thái Lan quy định, bất cứ một thỏa thuận quốc tế nào ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế và xã hội của Thái Lan cũng như sự toàn vẹn của các đường biên giới Thái Lan sẽ cần được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng trước khi ký.
Thông cáo chung trên nêu rõ sự ủng hộ của chính phủ Thái Lan đối với Campuchia trong nỗ lực đưa đền Preah Vihear vào danh sách di sản thế giới, tiếp sau một nghị quyết của Nội các một ngày trước đó xác nhận bản đồ mới của ngôi đền do phía Campuchia chuẩn bị.
Ngay sau khi ký thông cáo chung, ông Noppadon đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Những người phản đối nói rằng điều đó sẽ hủy hoại lợi ích quốc gia của Thái Lan trong việc phân định biên giới tương lai tại những khu vực gần ngôi đền.
Quyết định của Tòa án Hiến pháp Thái Lan được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO thông qua đề cử của Campuchia tại một cuộc họp ở Quebec (Canada), công nhận ngôi đền Hindu hơn nghìn năm tuổi này là một di sản thế giới.
Các vấn đề liên quan tới đền Preah Vihear là chủ đề tranh luận nóng bỏng ở Thái Lan giữa thời điểm Đảng Dân chủ đối lập và liên minh PAD đang mở một chiến dịch phản đối Chính phủ 4 tháng tuổi của Thủ tướng Samak Sundaravej.
Ngôi đền Preah Vihear, nằm ở phía bắc Phnom Penh, từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi giữa Thái Lan và Campuchia khi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với di tích lịch sử này.
Năm 1962, Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia bởi công trình này tọa lạc trên một mỏm đá thuộc lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, lối vào ngôi đền lại nằm trên đất của tỉnh Si Sa Két, đông bắc Thái Lan, do ở phía Campuchia là một vách đá dựng đứng. Chính điều này đã tăng thêm kịch tính trong tranh chấp giữa hai bên.
- Thanh Hảo (Theo Tân Hoa xã, Reuters)