221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1084972
Iraq ngày càng "rắn" với Mỹ
1
Article
null
Iraq ngày càng 'rắn' với Mỹ
,

Nỗ lực đạt được một thỏa thuận với Iraq của chính quyền Tổng thống Bush - theo đó sẽ cho phép quân đội Mỹ hiện diện vô thời hạn ở đất nước Vùng Vịnh - dường như sắp tan thành từng mảnh. Trớ trêu thay, đó có thể lại là kết quả của chính những thành công mà Washington đạt được trong cuộc chiến.

Thủ tướng Iraq, Nuri al-Maliki. (Ảnh: AP)

Hiện tại, Thủ tướng Nuri Kamal al-Maliki cùng các quan chức cấp cao của Iraq đang công khai yêu cầu một lịch trình rút quân đội Mỹ, ít nhất là trên giấy tờ.

Thực tế, không một ai ở Iraq nghĩ tới việc đẩy binh sĩ Mỹ khỏi nước này sớm và chỉ ít người tin rằng làm như vậy là an toàn. Nhưng Chính phủ của Thủ tướng Maliki, vốn được khuyến khích bởi những thành công quân sự trong thời gian gần đây, đang nóng lòng muốn xác nhận chủ quyền của họ.

Và yêu cầu mới của ông Maliki đã đặt Tổng thống Bush vào một tình thế chính trị khó khăn.

Vốn dĩ, ông Bush vẫn dứt khoát phản đối một lịch trình rút quân khắt khe mà cả Iraq lẫn những người chỉ trích chiến tranh tại Mỹ yêu cầu. Tuy nhiên, cách đây chưa đầy một tháng, ông cam kết sẽ tôn trọng ý nguyện của các lãnh đạo Iraq.

"Tất nhiên, bạn biết đấy, chúng tôi ở đó theo lời mời của họ", Tổng thống Bush nói tại Paris trong lần công du châu Âu gần đây. "Đó là một đất nước có chủ quyền".

Nền dân chủ Iraq hiện nay đã đạt tới điểm mà các lãnh đạo nước này phải đáp ứng các yêu cầu của cử tri cho dù họ thừa nhận, một cách âm thầm, rằng Iraq rất cần sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ cho tương lai.

Lời khẳng định của các quan chức cấp cao Mỹ về việc Iraq đang đảm đương nhiều trách nhiệm hơn trong lĩnh vực an ninh, cộng với những thành công của quân đội Iraq ở Basra, Sadr City và Mosul, càng tăng thêm sức mạnh cho Chính phủ của Thủ tướng Maliki.

Kết quả là, Baghdad ngày càng ít sẵn lòng chấp thuận tất cả các yêu cầu của Washington trong các cuộc đàm phán về vị thế của quân đội nước ngoài ở Iraq sau năm 2008. Mới đây, nước này thậm chí còn dứt khoát từ chối cho các nhà thầu Mỹ quyền miễn khởi tố.

Hôm 7/7, Thủ tướng Maliki còn gợi ý rằng, Iraq có thể muốn một thỏa thuận ngắn hạn và ít bao quát hơn so với thỏa thuận dài kỳ mà ông đã ký với Tổng thống Bush hồi tháng 11 năm ngoái, thời điểm Chính phủ của ông còn non yếu.

Không đạt được một thỏa thuận như mong đợi với Iraq có thể là một đòn làm bẽ mặt Tổng thống Bush trong những tháng cuối cùng ông ở Nhà Trắng, bởi chiến lược bổ sung quân tới đất nước Vùng Vịnh của ông hồi năm ngoái đang gặt hái thành công. Điều đó có thể sẽ buộc Washington phải thỏa hiệp nhiều hơn nữa.

Tổng thống Mỹ George W. Bush. (Ảnh: AP)

Gần như chắc chắn Mỹ không chấp nhận bất cứ một lịch trình rút quân khắt khe nào mà phía Iraq đưa ra. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ, hôm 9/7, nói rằng Nhà Trắng có thể sẽ chấp nhận cách diễn đạt nào đó trong một thỏa thuận phản ánh nguyện vọng của người Iraq về việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước họ.

Thậm chí, theo một quan chức Mỹ khác ở Baghdad, một hiệp ước giữa hai bên có thể còn bao gồm một thông báo giống như đề xuất chấm dứt cuộc chiến vào năm 2013 của ứng viên Tổng thống John McCain mà không cần đặt ra bất cứ một khung thời gian nào.

Nhà Trắng đang cố gắng giảm nhẹ mức độ quan trọng của những bất đồng này.

"Tôi biết nhiều người coi đây là một dấu hiệu về sự rạn nứt giữa Mỹ và Iraq", phát ngôn viên Tony Fratto, nói hôm 9/7. "Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là những dấu hiệu khuyến khích sự phát triển ở Iraq. Họ muốn và đang trở nên mạnh mẽ hơn trong việc đảm bảo an ninh cho chính mình".

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, những tuyên bố công khai của các quan chức cả hai nước đang ẩn chứa một thực tế phức tạp hơn nhiều, trong đó có nhiều câu hỏi hóc búa.

Chẳng hạn, phải có một điều gì đó thay thế sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc cho liên minh do Mỹ đứng đầu ở Iraq một khi nó hết hạn vào cuối năm nay. Đây là lý do tại sao các quan chức chính quyền Bush vẫn tin rằng cuối cùng họ sẽ đạt được một thỏa thuận.

Về thời hạn chót cũng vậy. Ban đầu, Nhà Trắng hy vọng họ sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối tháng 7 nhưng một số quan chức ở Washington phải thừa nhận đàm phán nhiều khả năng sẽ kéo dài đến cuối năm.

Ở một mức tối thiểu, Nhà Trắng đã mất thế kiểm soát trong việc soạn thảo thỏa thuận và câu hỏi về tương lai của quân đội Mỹ ở Iraq giờ đang là chủ đề tranh cử ở cả Mỹ và Iraq.

  • Thanh Hảo (Theo IHT)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,