Ngày 22/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giảm mức dự đoán tốc độ tăng trưởng năm 2009 của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực từ 7,8% xuống còn 7,6%.
Giá lương thực leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế châu Á. (Ảnh: Corbis)
ADB đánh giá những khó khăn kinh tế ở châu lục này có nguy cơ trầm trọng hơn. Giá lúa gạo tăng gần gấp ba lần ở một số nước mà sản phẩm này là thức ăn chủ đạo, còn giá dầu tăng 90% trong vòng một năm là hai nhân tố chính tạo nên tâm lý bi quan về viễn cảnh tình hình khu vực.
Hiện nay, ở châu lục này, ngoài Trung Đông, chỉ có Malaysia là nước xuất khẩu dầu lửa.
TIN LIÊN QUAN
Ngay cả Indonesia, nước khá giàu nguồn tài nguyên này từ vài năm trở lại đây đã phải nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh lọc. Trong khu vực chỉ có Thái Lan và Việt Nam là hai nước xuất khẩu gạo.
ADB cho biết tốc độ tăng trưởng thực tế của khu vực thậm chí sẽ còn thấp hơn nếu tình hình lạm phát và kinh tế Mỹ trì trệ diễn biến xấu hơn so với dự đoán.
Tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị chậm lại trong thời gian qua do tác động của tình trạng thị trường nhà đất tại Mỹ ế ẩm, kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng này đã lan sang các thị trường tín dụng tiêu dùng và các thị trường tín dụng doanh nghiệp. Theo ước tính gần đây của IMF, thiệt hại kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nhà đất tại Mỹ lên tới 945 tỷ USD.
ADB nhận định khu vực Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á, hiện đang đối mặt với một bài toán khó, đó là vừa phải kiềm chế lạm phát nhưng không được phép làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
IMF nâng mức dự đoán kinh tế thế giới 2008 |
---|
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) hôm 18/7 đã tăng mức dự đoán tốc độ phát triển kinh tế thế giới năm 2008 lên mức 4,1% so với dự đoán trước kia là 3,7%. |
ADB cũng dự báo năm nay GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5%, nhưng sang năm tới sẽ tăng lên 6,8% so với tốc độ 8,5% của năm ngoái và 7,3%/năm trong thập kỷ trước.
Tăng trưởng chậm nhưng ít nguy cơ rơi vào suy thoái
Còn nhớ cách đây không lâu, chính Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda cho rằng toàn châu Á và các nền kinh tế ở khu vực này có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay nhưng ít có khả năng rơi vào suy thoái.
Theo ông Kuroda, mối lo ngại lớn nhất mà châu Á đang phải đối mặt là tình trạng lạm phát, mặc dù nhiều nước và vùng lãnh thổ đã tăng lãi suất trong năm nay.
Ông cũng chỉ ra rằng hiện đã xuất hiện những nguy cơ mất ổn định do sự chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và các nước châu Á, nhưng ít có khả năng lại xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực.
"Tôi có lý do để tin tưởng rằng sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á như cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm, vì nhiều nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á đã tích luỹ được một lượng lớn ngoại hối dự trữ", Chủ tịch ADB khẳng định
Theo ông, sự chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước châu Á đã tăng lên. Hiện Mỹ đang duy trì lãi suất ở mức 2%, trong khi tỉ lệ này ở Ấn Độ là 8,5%. Điều đó có nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ sử dụng đồng USD để mua đồng Rupee của Ấn Độ và hưởng lợi từ sự chênh lệch lãi suất trên.
Các đồng tiền châu Á như đồng Won của Hàn Quốc và đồng Rupee của Ấn Độ tiếp tục mất giá trong những tuần gần đây, trước những lo ngại rằng ngân hàng TW các nước này chưa thực hiện đủ các biện pháp chống lạm phát.
Lạm phát ở Ấn Độ trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục 11,6% và trong khi chỉ số CPI ở Philippines cũng đã leo lên 11,4%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)