221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1093858
Chuyến đi tạm biệt châu Á của ông Bush
1
Article
null
Chuyến đi tạm biệt châu Á của ông Bush
,
Tổng thống Mỹ George W. Bush, hôm 4/8, đã lên đường tới thăm 3 nước châu Á lần cuối cùng với tư cách ông chủ Nhà Trắng. Trong chuyến công du kéo dài một tuần này, ông Bush sẽ có cơ hội phô trương những thành tựu đạt được trong chính sách ngoại giao ở châu Á cũng như thể hiện sự khéo léo trong việc rạch ròi giữa chính trị và thể thao.

Theo kế hoạch, sau khi tới thăm Hàn Quốc và Thái Lan, ông Bush sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2008 ở Bắc Kinh vào ngày 8/8 tới.

Thách thức đầu tiên

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Hàn Quốc, ông Bush dự kiến sẽ hội đàm tại Seoul với Tổng thống Lee Myung-bak nhằm trấn an và bày tỏ sự cảm ơn đối với một đồng minh Mỹ.

Chuyến công du tạm biệt châu Á của ông Bush kéo dài trong một tuần

Ông Lee mới đây đã thể hiện thiện chí với Washington khi cho phép nối lại việc nhập khẩu thịt bò Mỹ. Động thái này đã làm dấy lên những cuộc biểu tình rầm rộ chống Chính phủ trên khắp các đường phố Seoul vì người dân lo ngại bệnh bò điên.

Để đối phó với nguy cơ khủng hoảng, Tổng thống Hàn Quốc đã buộc phải thay thế các cố vấn cấp cao, sa thải một số bộ trưởng và cử đại diện đàm phán với Mỹ về việc tăng cường những biện pháp bảo đảm an toàn cho thịt bò nhập khẩu.

Tuy nhiên, các nhà tổ chức biểu tình Hàn Quốc tuyên bố họ đã lên kế hoạch tụ họp ở trung tâm thủ đô Seoul để "đón chào" Tổng thống Mỹ.

Ông Bush dự kiến cũng sẽ có thể phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình nữa liên quan đến việc Ủy Ban Địa danh của chính phủ Mỹ (BGN) đã thay cách phân loại nhóm đảo đang tranh chấp giữa Seoul và Tokyo từ "vùng lãnh thổ thuộc Hàn Quốc" thành "khu vực chủ quyền chưa xác định".

Mặc dù chính quyền Bush ngay lập tức đã có biện pháp khôi phục cách phân loại nhóm đảo mà người Hàn Quốc gọi là Dokdo và người Nhật gọi là Takeshima "như trước đó 7 ngày" nhưng sự việc cũng đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Hàn Quốc.

Không ít người coi các cuộc biểu tình ở Hàn Quốc là hành động biểu tượng cho "quan điểm chống Mỹ". Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng chúng chủ yếu hướng tới những cải cách mà Chính phủ của ông Lee đang theo đuổi. Theo họ, các cuộc tuần hành phản đối ông Bush "thậm chí là tín hiệu tốt, cho thấy sự cộng hưởng của nền dân chủ Hàn Quốc".

Dự kiến, việc buộc CHDCND Triều Tiên phải tuân thủ cam kết giải trừ hạt nhân cũng sẽ chiếm vị trí cao trong chương trình nghị sự giữa ông Bush và người đồng cấp Hàn Quốc.

Hai bên cũng sẽ tái khẳng định quyết tâm thúc ép các cơ quan lập pháp trong nước thông qua một thỏa thuận mậu dịch tự do được đánh giá là lớn nhất đối với Mỹ kể từ hiệp định NAFTA với những nước Bắc Mỹ khác.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định khó có khả năng Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận như vậy trong năm bầu cử. Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc tỏ ra chậm trễ khi xúc tiến việc này.

Khẳng định chính sách châu Á tại Thái Lan

Sau khi rời Hàn Quốc, Tổng thống Bush sẽ tới Thái Lan vào ngày 6/8 để gặp gỡ Thủ tướng Samak Sundaravej ở Bangkok. Chuyến thăm lần này diễn ra đúng vào dịp kỉ niệm 175 năm thiết lập quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan.

Theo Dennis Wilder, quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, tại các cuộc hội đàm, ông Bush sẽ nhấn mạnh đến vai trò của Thái Lan như một nước đồng minh quan trọng không thuộc NATO và có quan hệ tốt nhất với Mỹ ở Đông Á.

Cũng tại đây, Tổng thống Bush sẽ có bài diễn văn quan trọng về chính sách châu Á của Mỹ, nhìn lại những thành tựu mà Washington đã đạt được trong khu vực này suốt 8 năm ông cầm quyền.

Phát biểu trước các phóng viên châu Á hồi tuần trước, Tổng thống Bush từng lên tiếng khẳng định quan hệ giữa Mỹ với một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt là 3 nước ông sắp viếng thăm "chưa bao giờ tốt hơn hiện tại" nhờ nỗ lực to lớn của Chính phủ do ông đứng đầu.

Các chuyên gia Mỹ nhận định, sau khi nhậm chức với quan điểm ngấm ngầm đối đầu với một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và công khai chống đối CHDCND Triều Tiên - nước bị Washington liệt vào "trục tội ác" cùng với Iran, chính quyền Bush đã theo đuổi một chính sách châu Á giúp "hạ nhiệt" một số nguy cơ an ninh trầm trọng nhất trên thế giới.

Các dẫn chứng cụ thể mà họ đưa ra là tình hình trên bán đảo Triều Tiên, cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng nhiều vấn đề gai góc vẫn còn đó và ông Bush sẽ phải đối mặt với một vài trong số chúng trong chuyến công du lần này. Kenneth Lieberthal, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Michigan, bình luận rằng bề ngoài, chính quyền Bush có vẻ đã thiết lập được ảnh hưởng sâu rộng hơn ở châu Á so với các khu vực khác.

Tuy nhiên, theo ông Lieberthal, thực chất, sự yếu kém bên trong nước Mỹ dưới thời ông Bush "đang làm giảm sức hấp dẫn của chúng ta ở một khu vực năng động như châu Á".

Tình hình chính trị của Myanmar dự kiến cũng sẽ chiếm vị trí cao trong chương trình nghị sự của ông Bush. Lãnh đạo Nhà Trắng sẽ gặp gỡ những người tị nạn chính trị Myanmar ở Thái Lan trong khi vợ ông, bà Laura Bush, sẽ tới thăm các trại tị nạn nằm dọc biên giới Myanmar - Thái Lan.

Cuộc sát hạch ngoại giao ở Trung Quốc

Ngày 8/8, ông Bush sẽ có mặt tại Bắc Kinh để dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2008. Cùng đi với Tổng thống Mỹ còn có vợ, em trai và một trong hai cô con sinh đôi của ông. Họ sẽ hội ngộ với cha ông Bush tại thủ đô Trung Quốc.

Trong 4 ngày lưu lại Trung Quốc, ông Bush sẽ hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, một người mà ông miêu tả là "thẳng thắn". Là một người hâm mộ thể thao, ông Bush cũng lên kế hoạch tới dự một buổi thi đấu bóng rổ giữa đội Mỹ và đội Trung Quốc.

Ông cũng lên kế hoạch sử dụng chiếc xe đạp địa hình của mình trong thời gian lưu lại Bắc Kinh và nói ông không quan tâm tới việc ô nhiễm có thể tác động đến ông.

Các nhà phân tích bình luận rằng chuyến công du Trung Quốc lần này của vị lãnh đạo Nhà Trắng sắp mãn nhiệm vào tháng 1/2009 sẽ là một cuộc sát hạch tài ngoại giao cũng như khả năng rạch ròi giữa chính trị và thể thao của ông.

Nhiều nhà lập pháp hàng đầu và lãnh đạo tôn giáo bảo thủ ở Mỹ từng gây áp lực đòi ông Bush tẩy chay Olympic Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Bush khẳng định: "Tôi đã quyết định không chính trị hóa Thế vận hội, đây là sự kiện dành cho các vận động viên. Có rất nhiều thời gian dành cho chính trị và tôi tin mình sẽ có thời gian cho lĩnh vực này".

Ông Bush cũng khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Mỹ về một nước Trung Quốc toàn vẹn.

Theo giới quan sát, "cái khó" của ông Bush là phải tránh xúc phạm Bắc Kinh nhưng vẫn phải bảo vệ quan điểm của Washington trước những vấn đề chính trị nhạy cảm.

Ông Bush cũng sẽ phải luôn ghi nhớ rằng những gì ông làm trong chuyến đi từ biệt Trung Quốc, một cường quốc đang gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, sẽ không chỉ trở thành một chủ điểm làm "nóng" lên cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra mà còn là sự thể hiện những nỗ lực của ông nhằm bảo vệ di sản của chính sách ngoại giao.

  • Thanh Bình (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,