Căng thẳng leo thang giữa Grudia và tỉnh li khai Nam Ossetia đã bùng phát thành chiến sự ác liệt khi quân đội Grudia khai mào cho cuộc chiến nhằm giành lại quyền kiểm soát tỉnh này.
>>>Toàn cảnh chiến sự Nga - Grudia
Pháo binh Nga tại thành phố Dzhava, Nam Ossetia, tấn công các vị trí của quân Grudia (AFP)
Chính quyền li khai ở Nam Ossetia đã cố gắng giành được sự độc lập chính thức kể từ khi li khai trong một cuộc nội chiến vào những năm 1990. Nga có quân đội ở vùng này trong một sứ mạng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, Moscow cũng hậu thuẫn lực lượng li khai.
Địa vị của Nam Ossetia
Nam Ossetia đã tự điều hành các công việc của tỉnh này kể từ khi đấu tranh đòi độc lập khỏi Grudia vào năm 1991-1992, sau khi Liên Xô tan rã. Nam Ossetia đã tuyên bố độc lập mặc dù chưa được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận, kể cả Nga.
Grudia cũng chưa công nhận việc mất đi vùng lãnh thổ này. Tổng thống Grudia Mikhail Saakashvili sau khi lên nắm quyền đã thề sẽ đưa Nam Ossetia và Abkhazia - một vùng li khai khác - trở lại quyền kiểm soát hoàn toàn của Grudia.
Tại sao người Ossetia muốn li khai?
Người Ossetia là một nhóm dân tộc có nguồn gốc từ các vùng đồng bằng Nga, phía nam sông Don. Họ là hậu duệ của một bộ tộc tên là Alans. Vào thế kỷ 13, họ bị các cuộc tấn công của Mông Cổ đẩy về phía nam, vào dãy núi Caucasus và định cư dọc biên giới với Grudia.
Giống như người Grudia, người Ossetia là các tín đồ Cơ đốc chính thống song có ngôn ngữ riêng của họ. Vào thời Liên Xô, người Ossetia có quyền tự trị bên trong Grudia. Sau khi Liên Xô tan rã, Nam Ossetia muốn hợp nhất với đồng bào của họ ở Bắc Ossetia - một nước cộng hòa tự trị trong Liên bang Nga.
Người Grudia chiếm chưa tới 1/3 dân số Nam Ossetia trong khi hơn 50% trong tổng số 70.000 dân Nam Ossetia mang quốc tịch Nga. Tuy nhiên, Grudia bác bỏ tên gọi Nam Ossetia, muốn gọi tỉnh này bằng tên cổ Samachablo, hay Tskhinvali, theo tên của thành phố chính tại Nam Ossetia.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng mới nhất
Tranh chấp giữa Grudia và hai vùng li khai trên được gọi là ’’cuộc xung đột đóng băng’’ bởi các vấn đề vẫn chưa được giải quyết và không có giao tranh.
Băng đã bắt đầu tan và nhiệt tăng dần kể từ khi ông Saakashvili được bầu làm tổng thống năm 2004. Ông đã đề nghị đối thoại với Nam Ossetia và quyền tự trị bên trong một nhà nước Grudia thống nhất.
Tuy nhiên, năm 2006, Nam Ossetia đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức nhằm thúc đẩy yêu cầu đòi độc lập hoàn toàn của họ. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi phương Tây công nhận sự độc lập của Kosovo vào đầu năm 2008, bất chấp sự phản đối của Nga và Serbia. Người Nam Ossetia và Abkhazia cho rằng nếu Kosovo có thể độc lập, sau đó hai vùng này cũng có thể làm như vậy và họ đã tiếp tục cuộc đấu tranh đòi tự do.
Tháng 4/2008, Nato nói rằng Grudia sẽ được phép gia nhập liên minh này vào một thời điểm nào đó. Tuyên bố này đã khiến Nga tức giận, nước phản đối việc Nato mở rộng về phía đông. Vài tuần sau, Nga đã tăng cường các mối quan hệ với lực lượng li khai ở Abkhazia và Nam Ossetia.
Tháng 7/2008, Nga thừa nhận máy bay nước này đã xâm nhập không phận Grudia khi bay trên Nam Ossetia để ’’làm mát những cái đầu bướng bỉnh ở Tbilisi’’, và để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Grudia. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Nga tin Grudia đang chuẩn bị tấn công vùng này. Grudia đã lên án những chuyến bay này, coi đó là sự gây hấn chưa có tiền lệ.
Kể từ đó, các cuộc xung đột lẻ tẻ giữa quân đội Grudia và lực lượng li khai ở Nam Ossetia đã leo thang cho tới khi 6 người thiệt mạng trong một loạt vụ nã pháo của Grudia vào thủ phủ Tshinvali của Nam Ossetia và các làng mạc xung quanh.
Chính quyền Nam Ossetia đã cáo buộc Grudia tập trung quân tại khu vực và hôm 3/8 đã bắt đầu sơ tán hàng nghìn phụ nữ và trẻ em sang Bắc Ossetia của Nga. Grudia cho biết quân đội nước này chỉ bắn trả và phủ nhận mọi động thái gia tăng quân đội trong khu vực.
Các nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn đã nhanh chóng sụp đổ.
Đêm 7/8, quân đội Grudia đã bất ngờ tấn công Nam Ossetia nhằm giành lại quyền kiểm soát tỉnh này. Giao tranh đã diễn ra ác liệt trong vài ngày sau đó giữa quân Grudia và Nam Ossetia. Ngay lập tức, Nga đã điều động hàng trăm xe tăng và hàng nghìn binh sĩ tới Nam Ossetia, đồng thời mở các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự ở Grudia.
Moscow nói rằng Grudia đã giết lính hòa bình Nga ở Nam Ossetia và đang thanh trừng người Nga sống ở đó. Nga quả quyết nước này chỉ làm mục đích gìn giữ hòa bình ở Nam Ossetia, bác bỏ những cáo buộc của Grudia rằng Nga đang cung cấp vũ khí cho các lực lượng li khai.
Nga cho biết sự can thiệp quân sự của Nga tại Nam Ossetia cũng như các cuộc ném bom vào Grudia nhằm buộc binh sĩ Grudia rút về các vị trí như trước ngày 7/8 và để bảo vệ lính gìn giữ hòa bình Nga cũng như các công dân Nam Ossetia.
10/8, quân đội Grudia đã rút về vị trí cũ mà họ đóng trước khi giao chiến bùng phát do thương vong quá lớn ở Grudia và Nam Ossetia.
Sự can thiệp của Nato?
Tổng thống Saakashvili coi việc Grudia gia nhập Nato là một trong những mục tiêu chính của ông. Grudia có quan hệ thân thiết với Mỹ cũng như Tây Âu. Nhiều người cho rằng ông Saakashvili có lẽ hy vọng kéo Nato vào một cuộc xung đột với Moscow, làm cho liên minh Nato-Grudia trở thành một liên minh chính thức.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng khó có thể tưởng tượng Nato sẽ để bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với đối thủ thời Chiến tranh lạnh của họ sau khi đã nỗ lực tránh cuộc xung đột đó bấy lâu nay.
-
Minh Sơn (theo BBC, Telegrahp, AP, BBC, Reuters, AFP)