Dư luận Pakistan đã có phản ứng khác nhau trước tuyên bố từ chức hôm 18/8 của Tổng thống Pervez Musharraf sau gần 9 năm cầm quyền ở nước này.
Vui mừng
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Sherry Rehman phát biểu trên kênh truyền hình Sky News: "Áp lực gia tăng tại Pakistan đã buộc ông Musharraf phải từ chức. Ông ấy bị xem là đang cản trở quá trình chuyển giao tới nền dân chủ. Ngày hôm nay, chúng ta đã chứng kiến ông ấy đọc to bài điếu văn về sự lãnh đạo và quản lý yếu kém của mình.
Người dân Pakistan đang theo dõi bài diễn văn tuyên bố từ chức của Tổng thống Pervez Musharraf, được truyền trực tiếp trên truyền hình hôm 18/8 (Ảnh Reuters)
Ông ấy đã cố gắng thanh minh về những việc đã làm nhưng tôi nghĩ rốt cuộc, đây là giải pháp duy nhất. Bởi vì thời gian để ông ấy duy trì cương vị tổng thống đã rút ngắn đến mức không thể tiếp tục điều này".
Dưới đây là một số ý kiến khác chia sẻ quan điểm với ông Rehman:
- Sayem Ali, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered: "Đây là một tín hiệu tích cực khi tính đến tình trạng đối đầu kéo dài mà hiện chúng ta sẽ có thể tránh được. Đây là một thắng lợi quan trọng cho chính phủ mới nhưng sự không rõ ràng sẽ vẫn còn đó.
Sức mạnh đoàn kết chủ chốt trong chính phủ liên minh mới là sự hoài nghi của họ đối với ông Musharraf. Người ta vẫn phải xem liệu họ có thể giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng hay không.
Trước tiên phải khôi phục lại cương vị cho các thẩm phán từng bị (ông Musharraf) sa thải. Họ đã đặt ra thời hạn 3 ngày cho điều này. Bước tiếp theo là cuộc chiến chống khủng bố. Hiện cả hai bên đang không theo dõi sát sao chiến lược thực hiện nó.
Tôi hy vọng các thị trường (tài chính) sẽ vẫn đứng vững trong hai - ba phiên giao dịch tới, sau giai đoạn hân hoan ban đầu trước việc ông Musharraf từ chức".
- Wajid Hasan, đại sứ Pakistan tại London: "Ông Musharraf đã gây tổn hại rất nhiều tới Pakistan. Ông ấy từng tuyên bố sẽ ’đưa Pakistan trở lại bản đồ thế giới’. Nhưng thực tế là, Pakistan dưới thời của ông ấy được người ta biết tới như một tâm chấn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Quan điểm chung là, ông ấy đã góp phần gây ra vấn đề chứ không phải là người tìm ra giải pháp cho vấn đề".
Quan điểm thận trọng
Bên cạnh những ý kiến "hoan hỉ" trước tuyên bố rút khỏi cương vị tổng thống của ông Musharraf, một số người Pakistan tỏ ra thận trọng. Faisal Kapadia, một thương nhân ở Karachi kiêm chủ một blog viết về Pakistan có tên gọi Những ý nghĩ gây sững sờ, cho rằng quyết định của ông Musharraf sẽ dẫn tới ra những phản ứng lẫn lộn.
Ông Kapadia nhận định: "Lãnh đạo Pakistan không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Bất kỳ ai đảm nhận trọng trách ấy cũng sẽ đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích.
Ban đầu, phần lớn người Pakistan đứng về phía ông Musharraf. Ông ấy vẫn còn một số người ủng hộ, đặc biệt khi chính phủ mới chưa làm được gì nhiều để thực hiện cam kết thay đổi mọi thứ trong 100 ngày cầm quyền vừa qua".
Trong khi đó, Ahmed Bilal Mehboob, giám đốc Viện nghiên cứu Minh bạch và phát triển lập pháp Pakistan lại nhấn mạnh đến những đóng góp của ông Musharraf cho đất nước.
"Ông Musharraf đã mang tới những cải cách trong quốc hội. Ông ấy đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào cơ quan lập pháp", ông Mehboob nói.
Asad Iqbal, giám đốc điều hành của công ty chứng khoán Ismail Iqbal bình luận: "Diễn biến mới đã loại bỏ tất cả sự không rõ ràng trên thị trường (tài chính). Tôi nghĩ sự bất ổn về chính trị sẽ chấm dứt. Hy vọng rằng chính phủ sẽ bắt đầu tập trung vào phát triển nền kinh tế. Xét về khía cạnh này, họ hiện không có lý do gì để trì hoãn và phải hành động ngay.
Người ta vẫn phải chờ xem việc ông Musharraf từ chức là tốt hay xấu đối với đất nước. Chúng ta sẽ có câu trả lời trong hai hoặc ba năm nữa".
-
Thanh Bình (Theo Reuters, CNN)