Việc Tổng thống Pervez Musharraf quyết định rời khỏi vũ đài chính trị Pakistan đã mở ra một kỷ nguyên mới cho những cơ hội và cả mạo hiểm với đất nước này.
Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã tuyên bố từ chức. (Ảnh: Musharrafofpakistan) |
Liên minh nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 2 giờ đây thực sự phải đối mặt với thách thức lớn nhất - khả năng suy thoái kinh tế và sự gia tăng đe dọa của các lực lượng vũ trang nổi dậy ở khu vực bộ lạc biên giới Afghanistan.
Nếu thất bại, họ sẽ đặt dấu chấm hết cho những hy vọng Pakistan thành công trong việc xây dựng chế độ dân chủ. Chìa khóa dẫn tới thành công hay thất bại phụ thuộc vào hai đảng lớn nhất trong liên minh, đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và đảng Liên đoàn Hồi giáo-Nawaz (PML-N).
Sáu tháng sau cuộc bầu cử, hai đảng này đã dành nhiều tâm sức để tranh luận về những gì cần làm với ông Musharraf.
Trên thực tế, liên minh suýt tới bờ vực chia rẽ vào tháng 5 khi họ không thể nhất trí việc buộc tội ông Musharraf cũng như khôi phục vị trí cho các thẩm phán từng bị Tổng thống Pakistan sa thải hồi tháng 11/2007.
Và với việc ông Musharraf từ bỏ ghế lãnh đạo, mọi thứ có trở nên tốt hơn? Hai đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền Pakistan có thể có sự hợp tác cần thiết vượt qua những lợi ích nhỏ của mỗi đảng?
Căng thẳng
PPP nổi lên như một đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử tháng 2 nhưng lại thất bại trong việc giành ưu thế ở quốc hội.
Nhiều nhà phân tích tin rằng, đảng này muốn mở rộng ảnh hưởng tại tỉnh Punjab - vốn là cơ sở sức mạnh của đảng PML-N - nơi có hơn một nửa cử tri sinh sống.
Những động thái gần đây của PPP theo chiều hướng này là nguyên nhân gây căng thẳng trong liên minh. Nhưng vấn đề phục chức cho các thẩm phán là lớn hơn cả.
Gần đây, vấn đề này trở thành trung tâm hoạt động chính trị của ông Nawaz Sharif, lãnh đạo PML-N, và nói chung, nhiều người cho rằng, nó giúp ông gia tăng thanh thế giai đoạn hậu bầu cử.
Lãnh đạo PPP Asif Zardari và lãnh đạo PML-N Nawaz Sharif. (Ảnh: Pakistaniat) |
Nhưng PPP lại có khuynh hướng giữ một số thẩm phán, bao gồm cả Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Chaudhry, ra khỏi một thỏa thuận khôi phục chức vụ. Dĩ nhiên, ông Sharif đến thời điểm này vẫn phản đối.
Theo giới phân tích, lãnh đạo PPP Asif Zardari sợ rằng, Chánh án Chaudhry có thể can thiệp vào việc cáo buộc ông Asif tham nhũng. Việc này đã từng được hủy bỏ và lát đường để ông trở lại ghế lãnh đạo đất nước năm ngoái.
Hy vọng
Những người có quan điểm lạc quan hơn thì cho rằng, ông Sharif và ông Zardari hoàn toàn có lý do để khỏa lấp mọi khác biệt giữa họ.
Tương lai chính trị của hai vị lãnh đạo này nằm ở khả năng giải quyết các vấn đề chính trị cũng như kinh tế - một sứ mệnh mà không một đảng riêng lẻ nào có thể tự thực hiện được.
Những ngày tới, lãnh đạo hai đảng lớn nhất tại Pakistan sẽ càng chịu thêm nhiều áp lực xung quanh chuyện giải quyết lạm phát lương thực và nhiên liệu, suy giảm khả năng dự trữ, mất cân bằng thương mại và nói chung là việc suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thêm vào đó, họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với những câu hỏi về các đề xuất cải tổ luật pháp từng đưa ra, cũng như số phận hàng trăm người "mất tích" - hầu hết là nhà hoạt động chính trị - được cho là đang nằm trong tay cơ quan tình báo.
Cả hai đều từng là nạn nhân của các cuộc đảo chính quân sự trong quá khứ, và họ chỉ hành động chung khi nghĩ có thể hy vọng khôi phục một chính phủ dân sự. Theo một số nhà phân tích, để thành công, liên minh cầm quyền cần có được sự ủng hộ cả về chính trị lẫn kinh tế từ những cường quốc phương Tây, điển hình là Mỹ.
Và như vậy, Pakistan lại có thêm áp lực từ phương Tây trong việc giải quyết có hiệu quả hơn các lực lượng vũ trang nổi dậy ở khu vực bộ lạc dọc biên giới.
Quân sự
Liệu liên minh cầm quyền Pakistan có thể đảm bảo rằng sẽ kiểm soát hoạt động quân sự theo đúng cách chính phủ dân sự mong muốn hơn là cách từng diễn ra thời chính phủ quân sự?
Sự hiện diện của một chiến dịch quân sự tại khu vực bộ lạc Bajaur là tín hiệu đáng tin cậy đầu tiên trong nỗ lực tấn công dinh lũy của những phần tử tình nghi thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong vài năm qua, vấn đề là ở chỗ, chiến dịch này sẽ đi xa tới đâu?.
Một hoạt động tương tự tại Nam Waziristan vào mùa đông năm 2007 cũng đã bị ngừng lại ngay khi hầu hết nhà phân tích đều mong chờ một thắng lợi cuối cùng với các phe nhóm vũ trang ở đây.
Tương tự như vậy, chính phủ liên minh sẽ phải xem xét lại quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ theo hướng vì lợi ích an ninh quốc gia hơn là thực hiện những mệnh lệnh quân sự.
Trong quá khứ, cả PPP và PML-N đều đã nỗ lực hòa bình với Ấn Độ. Cuối những năm 80, chính phủ do PPP lãnh đạo được cho là đã giúp Ấn Độ chiến thắng sự nổi dậy của người Sikh ở bang Punjab (Ấn Độ).
Đến năm 1998, ông Nawaz Sharif tiếp tục nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ, nhưng bị phá hỏng khi quân đội Pakistan thâm nhập vào vùng Kargil ở Kashmir.
Ông Sharif cho hay, bấy giờ, ông Musharraf đã ra lệnh triển khai hoạt động quân sự mà không thông tin cho Chính phủ của ông.
Vì thế, những thách thức mà Chính phủ mới phải đối mặt là rất lớn, và chưa ai có thể ước tính mức độ rủi ro của thất bại đến thế nào.
-
Kỳ Thư (Theo BBC)