Trong số hàng loạt câu hỏi được đặt ra sau khi Tổng thống Pakistan Musharraf từ chức, có một câu hỏi đơn giản nhất và khó trả lời nhất đó là: nhà cựu lãnh đạo này sẽ sống ở đâu.
Sống ở nơi nào giờ là câu hỏi không dễ trả lời của ông Musharraf. (Ảnh: Reuters)
Một quan chức cấp cao của Pakistan cho biết, ban đầu, ông Musharraf và gia đình dự định đến London nhưng kế hoạch này đã bị thay đổi.
Cựu Tổng thống Musharraf sống trong một doanh trại ở Rawalpindi, thành phố gần Islamabad, kể từ khi trở thành Tổng tư lệnh Pakistan vào năm 1998. Ông tiếp tục sống ở đây sau khi nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 1999 và sau khi từ chức lãnh đạo quân đội vào năm ngoái.
Nguy hiểm rình rập
Tuy nhiên, sau 9 năm nắm giữ một trong những nhiệm vụ chính trị nguy hiểm nhất thế giới, ông Musharraf và gia đình sẽ sớm phải quay lại thế giới dân thường, vốn đầy rẫy các chính trị gia, những phần tử ly khai và quân Hồi giáo, những đối tượng muốn ông bị bắt giam hoặc phải chết.
Lựa chọn của nhà lãnh đạo này sẽ là ở lại ngôi nhà mà ông dựng lên tại khu trại rộng 2 hecta ở ngoại ô Islamabad.
Tuy nhiên, nếu ở lại Pakistan, ông sẽ có nguy cơ bị các đối thủ chính trị đem ra xét xử và nguy cơ này sẽ tăng lên nếu Chính phủ phục chức cho các thẩm phán bị ông bãi nhiệm năm ngoái.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Musharraf chắc chắn sẽ là mục tiêu của những chiến binh Hồi giáo, những kẻ đã 3 lần muốn ám sát ông.
Chỉ mới tuần trước, Ayman al-Zawahiri, nhân vật số 2 trong mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda đã coi Musharraf là "một trong những kẻ thù hàng đầu của đạo Hồi, nếu không nói là kẻ thù lớn nhất".
Làm Tổng thống, ông Musharraf được các binh sĩ giỏi, các thiết bị, công nghệ vệ tinh bảo vệ chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện giờ, ông chỉ được cảnh sát bảo vệ. Đây là lực lượng bảo vệ cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và sơ hở của họ đã khiến bà khỏi bị ám sát hồi năm ngoái.
Sự chọn lựa khó khăn
Nếu Chính phủ không đồng ý cho quân đội bảo vệ cũng như không miễn trừ xét xử cho ông Musharraf, cựu lãnh đạo này sẽ buộc phải chạy sang nước ngoài. Một quan chức cấp cao Pakistan cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là lựa chọn thay thế cho London của cựu Tổng thống Musharraf.
Tuần trước, Sir Mark Lyall Grant, cựu Cao ủy Anh tại Pakistan đã gặp gỡ ông Musharraf tại Islamabad. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao cho hay, ông Musharraf sẽ không sang Anh, không chỉ bởi vì lời đe dọa của al-Qaeda và Taliban.
Cựu Tổng thống Musharraf hồi bé từng sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và ông có thể nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, giới ngoại giao cho hay, Ankara hiện đang ngần ngừ trước việc tiếp nhận ông Musharraf vì lo ngại bị đe dọa an ninh.
Một gợi ý khác cũng được đưa ra với cựu Tổng thống Musharraf đó là tới Mỹ, nơi con trai ông là Bilal đang làm việc. Nhưng, hôm 17/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rice nói, lời mời ông Musharraf tị nạn là không được bàn tới.
Như vậy, chỉ còn Ảrập Xêút, nơi từng là chốn dung thân của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Năm ngoái, Ảrập Xêút làm trung gian hòa giải để ông Sharif có thể hồi hương. Tuần trước, nước này cũng đã phái giám đốc cơ quan tình báo tới gặp ông Musharraf.
Ảrập Xêút khó có thể là nơi lưu vong hoàn hảo nếu tính tới sở thích uống rượu whisky của nhà cựu lãnh đạo này. Tuy nhiên, đó có lẽ là lựa chọn duy nhất của ông.
-
Hoài Linh (Theo Times, Nation)