Cuộc hội đàm khôi phục quan hệ truyền thống giữa Nga và Cuba vừa qua đã khuấy động những ký ức về liên minh thời Chiến tranh Lạnh giữa hai nước và bị coi là lời cảnh báo đối với đối thủ cũ của họ, Mỹ.
(Ảnh minh hoạ Google)
Các chuyên gia nhận định, Nga - từng có thời là đồng minh quân sự và nhà tài trợ kinh tế hàng đầu của Cuba, đã gián tiếp đề cập tới việc tái thiết lập hiện diện quân sự tại Cuba để trả đũa các hành động của Mỹ tại Đông Âu, gồm cả kế hoạch thiết lập lá chắn phòng thủ tên lửa.
"Moscow rõ ràng là rất bực tức với việc Mỹ can thiệp vào các nước láng giềng của họ. Hành động trên của Nga dường như phát đi một thông điệp tới Mỹ rằng nếu anh can thiệp vào khu vực của chúng tôi, chúng tôi sẽ tới khu vực của anh", Phil Peters, chuyên gia về Cuba tại Học viện Lexington ở Virginia nhận định.
Quan hệ Cuba-Nga trong quá khứ lại một lần nữa được nêu bật với bản tin Nga có thể dùng Cuba làm căn cứ tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom của nước này. Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã phủ nhận tin trên.
Hành động như vậy sẽ vượt "vạch cấm", một vị tướng thuộc không lực Mỹ dùng từ ngữ khiến người ta liên tưởng tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi đó, Mỹ và Nga (lúc đó là Liên bang Xô viết) gần như đã rơi vào chiến tranh vì căn cứ tên lửa Nga được đặt tại một hòn đảo chỉ cách Florida có 144km.
Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin, cùng với Thư ký hội đồng an ninh quốc gia Nga - Tướng Nikolai Patrushev, đã bay tới Havana vào tháng 8 trong chuyến đi được coi là chỉ bàn về những vấn đề kinh tế. Hai quan chức này đã hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Hội đồng an ninh, cơ quan đưa ra những định hướng về chính sách an ninh quốc gia Nga, cho biết trong một thông báo sau đó rằng Nga và Cuba dự định khôi phục quan hệ truyền thống trong mọi lĩnh vực hợp tác. Tiếp đó, Thủ tướng Vladimir Putin cũng tuyên bố: "Nga cần tái thiết lập vị trí tại Cuba và những quốc gia khác".
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận xét dường như Nga sẽ tăng cường quan hệ thương mại với Cuba chứ không phải thắt chặt quan hệ quân sự. "Không thể tưởng tượng được một ai đó trong bộ máy lãnh đạo Cuba lại muốn đặt đất nước họ vào tầm ngắm của một cuộc cuộc đấu khác giữa những cường quốc - cuộc đua tranh làm gợi nhớ cuộc khủng hoảng tên lửa trước đây", Brian Latell, nhà phân tích trước đây của CIA, hiện công tác tại trường đại học Miami.
"Hội đàm quân sự dường như chỉ là sự hăm doạ của Moscow. Cuba chẳng được lợi gì từ một mối quan hệ quân sự vốn có nhiều nguy cơ và không phù hợp với những đổi mới trong quan hệ ngoại giao của Cuba thời Raul Castro", Peters, chuyên gia về Cuba nhận định.
Sau chuyến thăm của phó Thủ tướng Nga Sechin, Cuba mô tả cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Raul Castro với nhà lãnh đạo này là "thân mật" và cả hai nhấn mạnh sẽ tái kích hoạt quan hệ kinh tế. Cả hai nước không đề cập tới quan hệ quân sự nhưng hôm 10/8, Chủ tịch Cuba Raul Castro ra tuyên bố ủng hộ Nga trong cuộc chiến Nga-Grudia sau khi Moscow triển khai quân tới Nam Ossetia.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)