Trung Quốc hôm 15/9 cho biết, em bé thứ hai đã chết vì uống sữa bột nhiễm độc và bê bối an toàn thực phẩm tại nước này đã mở rộng với số trẻ ốm tăng quá 1.200.
Em bé - Nạn nhân sữa nhiễm độc (ảnh AFP) |
Số nạn nhân vụ sữa nhiễm độc ở TQ tăng vọt
Em nhỏ thứ hai tại tỉnh Cam Túc, tây Trung Quốc thiệt mạng sau khi nhà chức trách yêu cầu công ty sản xuất sữa hàng đầu của Trung Quốc - Tập đoàn Tam Lộc ngừng sản xuất sữa bột và đề nghị các cửa hàng ngừng bán sản phẩm.
Các nhà điều tra cho biết, sữa bột đã nhiễm hoá chất melamine. Cuối tuần trước, truyền thông quốc gia Trung Quốc cho biết, có 1 em bé thiệt mạng và 432 em khác bị sỏi thận sau khi uống sữa nhiễm độc. Số trẻ mắc bệnh hiện đã tăng quá 1.200.
Thông báo về cái chết của nạn nhân nhỏ tuổi thứ hai được giới chức Cam Túc đưa ra cùng lúc với tin đã phát hiện được 43 em nhỏ khác bị ốm vì cùng loại sữa. Gần như tất cả các bệnh nhân ở Cam Túc đều ở khu vực nông thôn, nghèo và từ 3 tuổi trở xuống, phó tỉnh trưởng Cam Túc Xian Hui nói với báo giới hôm 14/9.
Bê bối tái diễn
Bốn năm trước đây, tại Trung Quốc có ít nhất 13 trẻ chết vì suy dinh dưỡng sau khi uống phải sữa bột giả.
Trong vụ bê bối sữa giả năm 2004, hầu hết các em nhỏ chết vì uống sữa kém chất lượng đều sống tại khu vực ngoại ô thành phố Phúc Dương, tỉnh An Huy. Khi đó loại sữa không dưỡng chất được bán nhiều ở các cửa hàng địa phương. Các bác sĩ cho biết, gần 200 em bé đã bị mắc chứng đầu to - đầu phát triển một cách dị thường trong khi cơ thể ngày càng gầy mòn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thông tin trên được truyền hình Trung Quốc phát vào tối 19/4/2004 đã gây ra chấn động lớn. Công chúng yêu cầu Thủ tướng lúc đó là Ôn Gia Bảo phải tiến hành một cuộc điều tra và phạt nặng các nhà sản xuất đã đưa ra loại sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như vậy.
Vụ bê bối mới đã lặp lại những lo ngại về hệ thống các quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc, ngay cả khi lãnh đạo nước này cam kết tăng cường giám sát các sản phẩm lúc Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn.
Năm ngoái, Mỹ đã yêu cầu thu hồi các thực phẩm dành cho vật nuôi mà Trung Quốc sản xuất sau khi các nhà điều tra kết luận rằng các sản phẩm được pha trộn với melamine một cách không thích hợp. Melamine là hoá chất dùng để sản xuất nhựa và phân bón. Sau đó, nhà chức trách Trung Quốc đã có phản ứng mạnh, cấm trộn melamine vào thực phẩm dùng cho xuất khẩu và trong nước.
Tuy nhiên, bê bối mới về sữa trẻ em nhiễm độc lại một lần nữa nêu bật những khó khăn trong việc quản lý các nhà sản xuất thực phẩm Trung Quốc. Nitơ có nhiều trong Melamine và các nông dân Trung Quốc đã thừa nhận dùng chất này quá mức cần thiết khi sản xuất thực phẩm hay đồ ăn cho vật nuôi.
Quảng cáo của sữa bột Tam Lộc |
Che giấu
Trung Quốc mất tới 6 tuần mới thu hồi sữa nhiễm độc kể từ khi thông tin về vụ việc được chuyển tới cho nhà chức trách địa phương.
Tập đoàn bơ sữa của New Zealand là Fonterra - sở hữu 43% cổ phần ở công ty Tam Lộc và có 3 giám đốc trong ban điều hành cho hay, lần đầu tiên họ biết Tam Lộc bán sữa nhiễm độc vào ngày 2/8.
Thủ tướng New Zealand Helen Clark đã xác nhận thông tin, Fonterra đã báo vấn đề này lên các quan chức địa phương nhưng đề nghị thu hồi của họ không nhận được phản hồi.
Chỉ cho tới khi bà Clark thông báo về những gì đã xảy ra (hôm 5/9) cho bộ máy địa phương và ba ngày sau thông báo lên chính quyền trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh, thì mọi việc mới được triển khai.
Tiếp đó, hôm 9/9 các phương tiện truyền thông quốc gia Trung Quốc đưa tin về bê bối sữa nhiễm độc và tới ngày 11/9 tập đoàn Tam Lộc mới ra thông báo thu hồi toàn bộ số sữa đã sản xuất trước ngày 6/8. Tuy nhiên, theo các nhà điều tra, các bậc cha mẹ đã phàn nàn về loại sữa này từ tháng 3.
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng New Zealand nói, giới chức địa phương ở Trung Quốc từ chối có hành động cho tới khi chính phủ New Zealand liên lạc với chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
"Fonterra đã cố gắng trong suốt nhiều tuần để yêu cầu thu hồi sữa nhiễm độc nhưng chính quyền địa phương chỉ ngồi im", Thủ tướng New Zealand Helen Clark nói với phóng viên kênh truyền hình TVNZ của New Zealand. "Tôi cho rằng ban đầu họ (chính quyền địa phương) muốn giấu nhẹm sự việc và xử lý bê bối mà không cần ban lệnh thu hồi sữa".
Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, mãi tới ngày 8/9 mới hay tin về vụ sữa nhiễm độc.
Cuối tuần trước, các nhà điều tra Trung Quốc đã thanh tra dây chuyền sản xuất của công ty Tam Lộc. Tân Hoa xã - thông tấn xã Trung Quốc đưa tin, cơ quan điều tra đã phát hiện ra chất melamine trong sữa nguyên chất được 2 nhà sản xuất cung cấp cho Tập đoàn Tam Lộc để làm sữa bột.
Tới lúc này, có 19 người bị bắt, 78 người khác bị thẩm vấn về vụ việc trên.
-
Hoài Linh (Theo IHT, AFP, Telegraph)