Trong động thái mới nhất liên quan tới vụ việc sữa bột có hại, Mỹ đã cảnh báo việc nhập sữa từ Trung Quốc trong khi New Zealand cho biết trách nhiệm thuộc về đối tác Trung Quốc.
Em bé - Nạn nhân sữa nhiễm độc (ảnh AFP) |
Mỹ cảnh báo việc nhập sữa từ Trung Quốc
Quan chức Mỹ ngày 15/9 đã lên tiếng cảnh báo việc nhập sữa từ Trung Quốc, cho dù thừa nhận rằng chưa phát hiện thấy sữa có hại nhập từ nước này về Mỹ.
Uỷ ban An toàn Thực phẩm và Y dược Mỹ (FDA) nhấn mạnh rằng, hiện tại vẫn chưa phát hiện thấy sữa có hại nhập từ nước này về Mỹ song các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ nên cẩn trọng với việc sử dụng các loại sữa của Trung Quốc kể từ thời điểm này.
"Chúng tôi đặc biệt quan tâm và lo lắng rằng sẽ có một vài loại sữa như thế lọt vào Mỹ một cách bất hợp pháp và được bày bán ở những nơi xa xôi trên đất Mỹ. Do vậy, cần thận trọng trong thời điểm này", Janice Oliver, Phó giám đốc chương trình an toàn thực phẩm thuộc FDA nói.
"Tạm thời không nên nhập sản phẩm sữa nào từ Trung Quốc vào Mỹ", ông này nhấn mạnh, "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không thể xảy ra bất cứ nguy cơ nào với người tiêu dùng Mỹ".
Tin cho hay, Công an tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bắt giữ 19 người bị tình nghi phạm tội trong vụ sữa bột trẻ em nhãn hiệu Sanlu bị nhiễm hóa chất độc hại gây bệnh sỏi thận.
Số đối tượng này nằm trong số 78 người đã bị thẩm vấn về vụ sữa Sanlu nhiễm độc, trong đó có 18 người là chủ các nông trại chăn nuôi bò sữa, chủ các trung tâm thu mua sữa nguyên liệu, và 1 người bị tình nghi buôn bán trái phép chất phụ gia độc hại.
Trong khi đó, số trẻ em bị sỏi thận do dùng sữa bột nhiễm độc nói trên không ngừng tăng lên. Theo thống kê sơ bộ đến sáng 15/9, khoảng 580 em nhỏ đã phải nhập viện do các triệu chứng sỏi thận. Đến nay, có hai trường hợp đã tử vong, đều tại tỉnh Cam Túc.
Còn số trẻ bị coi là nhiễm độc từ sữa này thì tới thời điểm này đã tăng vọt lên con số 1.253 trẻ, theo số liệu từ Bộ Y tế Trung Quốc vừa công bố chiều tối ngày 15/9.
New Zealand: trách nhiệm thuộc về phía Trung Quốc
Hiện tại, phía liên doanh New Zealand tại công ty sữa Tam Lộc là công ty Fonterra đã cho biết trách nhiệm thuộc về đối tác Trung Quốc.
"Chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu này từ tháng 8 năm ngoái và đã cảnh báo cho đối tác song họ đã phớt lờ việc thu hồi sản phẩm. Trong thời điểm này, chúng rôi thầnh tâm chia sẻ với những trường hợp bị ảnh hưởng hiện nay", Giám đốc điều hành của Fonterra, ông Andrew Ferrier phát biểu với báo giới.
Đích thân Thủ tướng New Zealand Helen Clark cũng cho biết New Zealand đã tìm cách liên hệ và yêu cầu phía Trung Quốc có biện pháp xử lý từ khi chuyện chưa nghiêm trọng song không hề nhận được phúc đáp nào.
"Chúng tôi đã báo động song phía Trung Quốc vẫn không có bước đi nào để bảo đảm sẽ có hành động cụ thể", Thủ tướng New Zealand Helen Clark phát biểu với báo giới.
-
Nhật Vy (Theo BBC, AFP, CNN, Reuters)