Thái Lan
Đền Preah Vihear, một trong những điểm tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Ta Kwai là ngôi đền thứ 3 gây bất hòa giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á kể từ tháng 7 vừa qua. Hai ngôi đền tranh chấp trước đó là Preah Vihear và Ta Moan Thom.
Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Virasakdi Futrakul, đã mời đại sứ Campuchia Ung Sean tới để nhận bản thông báo phản đối tại Bộ này hôm nay. Văn bản này nói rằng khoảng 70 lính có vũ trang của Campuchia đã xâm nhập vào ngôi đền từ ngày 6/9. Trước đó, khoảng 30 lính Campuchia cũng đã được nhìn thấy tại đền trong các ngày 3 và 6/8.
"Những hành động này tạo thành một sự xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan", thông báo nêu rõ. Thái Lan yêu cầu Campuchia phải cố hết sức tránh lặp lại hành động tương tự trong tương lai.
Đại sứ Ung Sean không nói gì với các phóng viên sau cuộc gặp với ông Virasakdi tại Bộ Ngoại giao Thái Lan.
Quyền phát ngôn viên Bộ này, Thani Thongphakdi, khẳng định hai bên không còn xung đột về quân sự nữa kể từ khi cả hai bố trí lại các lực lượng vũ trang của mình ở biên giới.
Phát ngôn viên của Chính phủ Campuchia, ông Khieu Kanharith, nói trước đó rằng binh sĩ Thái Lan đã di chuyển vào một khu vực cận kề ngôi đền mà theo tiếng Campuchia là Ta Krabey. Campuchia đang chuẩn bị đề nghị một "bên quốc tế thứ 3" can thiệp, ông Kanharith cho biết.
Thái Lan nhấn mạnh rằng, tranh chấp có thể được giải quyết song phương và cam kết sẽ hợp tác với Campuchia trong khuôn khổ của Uỷ ban Biên giới chung Thái - Campuchia về Phân ranh Biên giới trên bộ (JBC) với quan điểm giải quyết vấn đề biên giới một cách hòa bình và công bằng.
TIN LIÊN QUAN
Theo ông Kanharith, vấn đề có thể được bàn thảo khi các đoàn đại biểu Thái Lan và Campuchia gặp gỡ ở New York bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này.
Trong một diễn biến riêng rẽ khác, Thái Lan đã bác bỏ những nghi ngờ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về khả năng tổ chức hội nghị ASEAN sắp tới do những bất ổn chính trị ở Thái Lan. Quyền Phát ngôn viên Thani Thongphakdi quả quyết, Thái Lan - với vị trí chủ tịch ASEAN - đã sẵn sàng và công tác chuẩn bị cũng như các nỗ lực khác cho sự kiện này của Thái Lan đang diễn ra tốt đẹp.
"Những diễn biến chính trị gần đây ở Thái Lan không hề ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị vốn đang được tiến hành tốt theo lịch trình đã định", trích lời ôngThongphakdi. Bằng chứng là, ông này cho biết, Thượng viện Thái Lan hôm qua đã thông qua một dự luật về bảo vệ sự hoạt động của ASEAN, cho phép Thái Lan thông qua Hiến chương ASEAN.
- Thanh Hảo (Theo The Nation)