Ngay ngày họp đầu tiên của đại hội đồng cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 29/9, cả Iran và CHDCND Triều Tiên đều bị chỉ trích mạnh mẽ vì những hoạt động hạt nhân gây tranh cãi.
Trong phiên tranh luận khai mạc hội nghị kéo dài cả tuần của IAEA, Anh, Nhật và EU đồng thanh chĩa mũi dùi về phía Tehran và Bình Nhưỡng.
IAEA thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên và Syria.
Chỉ trích Iran, Triều Tiên
"Cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận cảnh Iran tìm kiếm vũ khí hạt nhân", Bộ trưởng kiêm phát ngôn viên chính phủ Pháp Luc Chatel phát biểu trước các nước thành viên của IAEA với tư cách là đại diện của EU.
Đặc phái viên của chính phủ Nhật Matsuda Iwao cảnh báo: "Việc phát triển hạt nhân mà CHDCND Triều Tiên đang tiến hành là một mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh không chỉ với Nhật mà còn cả với Đông Á cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế".
Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei cũng bày tỏ lo ngại tương tự khi nói về Iran và Triều Tiên trong bài phát biểu khai mạc. "Tôi kêu gọi Iran thực thi mọi biện pháp minh bạch được yêu cầu để xây dựng lòng tin của quốc tế về bản chất an toàn của chương trình hạt nhân của Iran vào thời điểm sớm nhất có thể. Điều đó sẽ tốt cho Iran, cho Trung Đông và cho cả thế giới".
IAEA đã tiến hành điều tra chương trình hạt nhân của Iran trong 5-6 năm qua nhưng tới giờ vẫn chưa quyết định được là chương trình này có hoàn toàn hòa bình như Tehran tuyên bố hay không.
Đề cập tới CHDCND Triều Tiên, ông ElBaradei nói: "Tôi vẫn hy vọng có thể tạo điều kiện cho Triều Tiên để nước này tái tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân vào thời điểm sớm nhất".
Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố đang chuẩn bị khởi động lại nhà máy tái xử lý hạt nhân và yêu cầu IAEA gỡ bỏ niêm phong, các thiết bị giám sát và ngăn không cho các thanh tra IAEA tới khu vực nhạy cảm.
Bộ trưởng Năng lượng Anh Malcolm Wicks nói: "Chúng tôi mong chờ nhà chức trách Triều Tiên nắm bắt những cơ hội mới nhất để tiếp tục hợp tác với IAEA và thực thi cam kết giải trừ chương trình hạt nhân hoàn toàn, có thể xác minh".
Theo thỏa thuận 6 nước công bố tháng 2/2007, Triều Tiên đồng ý vô hiệu hóa và tháo dỡ các cơ sở hạt nhân chủ chốt, cho phép các thanh tra hạt nhân trở lại nước này để đổi lấy 1 triệu tấn nhiên liệu viện trợ và được đưa khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố của Mỹ.
Tuy nhiên, tháng trước, Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng tiến trình này để phản đối việc Washington từ chối đưa họ khỏi danh sách đen như đã cam kết.
Răn đe Syria
Những cáo buộc rằng Syria dính líu tới các hoạt động hạt nhân trái phép cũng được đại hội đồng IAEA thảo luận.
Bộ trưởng Pháp Chatel nói, EU lo âu vì Syria không phản hồi đề nghị tới thăm một số khu vực tình nghi là căn cứ hạt nhân của IAEA. Ông kêu gọi Damascus tạo điều kiện tiếp cận theo yêu cầu và trả lời mọi câu hỏi của IAEA.
Mỹ buộc tội Syria đang xây dựng một cơ sở hạt nhân ngầm tại một nơi xa xôi trong sa mạc gọi là Al-Kibar cho tới khi nơi này bị bom Israel phá vào tháng 9/2007.
Damascus đồng ý cho một nhóm 3 thành viên của IAEA tới Al-Kibar vào tháng 6 vừa qua nhưng từ đó trở đi không cho phép bất cứ đoàn thanh tra quốc tế nào tới đó nữa.
Iran và Syria đều được chú ý trong đại hội đồng IAEA năm nay vì cả hai nước có thể là ứng viên cho một vị trí tại ban điều hành IAEA gồm 35 thành viên sau khi nhiệm kỳ một năm của Pakistan kết thúc.
Vị trí này sẽ được phân cho một quốc gia khác trong nhóm Trung Đông và Nam Á (còn gọi là MESA).
Tuy nhiên, hiện nay cả Iran và Syria đều bị nghi tiến hành các hoạt động hạt nhân bí mật, việc đề cử nước nào trong hai quốc gia này của MESA hầu như sẽ vấp phải phản đối và có thể phải tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu - việc chưa từng xảy ra tại đại hội đồng vì tất cả công việc tại cơ quan gồm 144 nước này đều được quyết định bằng sự nhất trí.
Đại sứ Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh - là diễn giả cuối cùng lên bục phát biểu ngày 29/9, đã buộc tội Mỹ dùng IAEA vào mục đích chính trị cá nhân.
-
Hoài Linh (Theo AFP, DPA)