Trong tuyên bố chung về cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 7 (ASEM-7) tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã khẳng định sự ủng hộ đối với dự định triệu tập một cuộc họp toàn cầu vào tháng 11 tới tại Washington.
Các đại biểu tham dự ASEM-7 tin tưởng sự hợp tác cùng nhau sẽ khắc phục được cuộc khủng hoảng. (Ảnh: THX) |
Giám sát và chỉnh đốn các tổ chức tài chính
Tuyên bố chung nêu rõ, các nhà lãnh đạo tham dự ASEM-7 đã đi sâu thảo luận về tình hình kinh tế tài chính quốc tế hiện nay cũng như xu thế phát triển của nó, bày tỏ sự quan tâm đến những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Á. châu Âu.
Tuyên bố cho rằng, Chính phủ các nước nên áp dụng những biện pháp hữu hiệu có tầm nhìn, kiên định, quyết đoán, và kịp thời để ứng phó với những thách thức từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Á-Âu tin tưởng rằng việc nỗ lực cùng nhau sẽ khắc phục được tình trạng bất ổn.
Theo tuyên bố, Hội nghị Á-Âu hoan nghênh các quốc gia, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo vận hành thuận lợi hệ thống kinh tế tài chính, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng cường hợp tác, vận dụng tổng hợp các phương pháp ứng phó, khôi phục niềm tin đối với thị trường nhằm ổn định thị trường tiền tệ toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.
Tuyên bố đề nghị, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần thể hiện vai trò then chốt trong việc giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng.
Lãnh đạo các quốc gia, tổ chức tham dự hội nghị ASEM-7 cho rằng, muốn giải quyết được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa đổi mới và chỉnh đốn tài chính, duy trì chính sách kinh tế vĩ mô ổn định. Việc tăng cường giám sát và chỉnh đốn các tổ chức tài chính, nhất là trách nhiệm giải trình của các yếu tố này là điều hết sức cần thiết.
Tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng hoảng
Tuyên bố chung kêu gọi, tất cả các quốc gia nên thực hiện các chính sách chỉnh đốn tài chính tiền tệ ổn định, có trách nhiệm, tăng cường các biện pháp giám sát minh bạch, rõ ràng, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế xử lý khủng hoảng, bảo đảm sự phát triển ổn định nền kinh tế tài chính của nước mình. Theo đó, các nhà lãnh đạo cam kết áp dụng các biện pháp cần thiết và kịp thời để giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.
Các đại biểu tham dự cũng cam kết thực hiện việc cải cách hiệu quả và toàn diện các hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế, tổ chức thảo luận với các tổ chức tài chính quốc tế có liên quan và đưa ra các đề nghị thích đáng. IMF và các tổ chức tài chính quốc tế khác cần phát huy thiết thực vai trò trách nhiệm trong hệ thống tài chính thế giới, giúp đỡ ổn định tình hình tài chính quốc tế.
Hội nghị ủng hộ dự định triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh toàn cầu vào ngày 15/11 tới tại thủ đô Washington, Mỹ để thảo luận về các biện pháp ứng phó với khủng hoảng hiện tại, các nguyên tắc cải cách hệ thống tài chính quốc tế cũng như việc duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài của nền kinh tế thế giới.
Các nhà lãnh đạo đồng ý tận dụng đầy đủ các cơ chế hợp tác khu vực như hội nghị thượng đỉnh Á-Âu để trao đổi thông tin, giao lưu chính sách và hợp tác chặt chẽ trong việc giám sát quản lý vấn đề tài chính; ngăn chặn và ứng phó hiệu quả đối với những rủi ro; đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế liên tục và bền vững.
-
Đan Tâm (theo Tân Hoa xã)