Nếu John McCain thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 4/11 như kết quả của hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đảng Cộng hòa của ứng viên này sẽ phải trải qua một thời kỳ khó khăn để tự vấn lại mình.
Bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào 4/11 (Ảnh ghép VNN)
... với phe bảo thủ?
Các nhà phân tích và một số nhà hoạt động của đảng Cộng hòa nhận xét, thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ nêu bật sự nguy hiểm của việc dựa dẫm quá mức vào một nhóm nhỏ các thành viên Cơ đốc thủ cựu, những người mà sự ủng hộ của họ dù sao cũng trở nên rất quan trọng với những thành công về bầu cử của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, một số thành viên bảo thủ theo đường lối xã hội lại cho rằng chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama - nhân vật mà họ coi là "tự do quá mức" sẽ tiếp sinh lực cho họ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào năm 2010 và cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn hơn một tuần nữa là diễn ra và nhiều điều có thể xảy ra từ giờ tới lúc đó. McCain từng có sự trở lại đầy ngoạn mục.
Tuy nhiên, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy Obama nhiều khả năng sẽ giữ vai trò lãnh đạo đất nước khi chiến dịch vận động của nghị sĩ này được lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính đang làm người Mỹ bị chấn động và làm các vấn đề quan trọng mà phe bảo thủ đưa ra như nạo phá thai, kết hôn đồng giới bị bật khỏi diễn đàn chính trị.
"Chiến thắng của Obama sẽ kích động các thành viên bảo thủ theo đường lối xã hội trong kỳ bầu cử 2010 và 2012 và họ sẽ tìm kiếm một nhân vật trụ cột để ủng hộ", theo Richard Land, Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo và nội quy giáo phái phương Nam - nhóm chính sách công chủ chốt thuộc phái Phúc âm lớn nhất nước Mỹ.
Theo ông Land, ứng viên có nhiều khả năng "huy động lực lượng" nhất dưới thời Obama cầm quyền có thể là người đồng hành của McCain hiện nay - Sarah Palin. Nữ thống đốc bang Alaska này đã khích động được các thành viên phái Phúc âm bằng lập trường phản đối quyền nạo phá thai cũng như quan điểm thủ cựu về một số vấn đề cốt lõi khác mà các cử tri ôn hòa cảm thấy xa lạ.
William Donohue, Chủ tịch Liên đoàn Cơ đốc bảo thủ - tổ chức phản đối quyền nạo phá thai, cho rằng, những người bảo thủ theo tôn giáo đang sẵn sàng cho một giai đoạn mới của "chiến tranh văn hóa".
"Vài ngày trước, tôi có nói chuyện điện thoại với một số bạn bè... và chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc chiến văn hóa lớn chưa từng có", ông Donohue nói. "Chưa có một ứng viên nào trong lịch sử nước Mỹ lại ủng hộ tích cực cho quyền nạo phá thai hơn Obama".
Tổng thống George W.Bush đã giành được gần 80% phiếu ủng hộ của các cử tri da trắng theo phái Phúc âm đồng thời là nhân vật ưa thích của nhiều nhân vật bảo thủ Cơ đốc theo đường lối Xã hội trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004.
Trên thực tế, nhóm thành viên tôn giáo theo đường lối bảo thủ đã giữ một vai trò chủ chốt trong hầu hết các chiến thắng của đảng Cộng hòa kể từ thời Ronald Reagan năm 1980, điều mà một số nhà phân tích cho rằng, nó cho thấy đảng Cộng hòa không thể giành chiến thắng nếu thiếu lực lượng này.
Theo một số thống kê, cứ 4 người Mỹ trưởng thành lại có một người theo phái Phúc âm, điều này khiến họ trở thành một lực lượng quan trọng tại Mỹ, nơi mà tín ngưỡng và chính trị thường pha trộn với nhau.
Tuy nhiên, chiến thắng năm 2004 của Bush là rất sít sao. Nhà lãnh đạo này đã chiến thắng một phần là nhờ vận dụng một số vấn đề như kết hôn đồng giới để lấy phiếu ủng hộ.
Các thành viên ôn hòa trong đảng Cộng hòa nhận xét, sự thất bại của McCain sẽ chứng tỏ sự hạn chế về "chiến lược Palin" và cho thấy đảng Cộng hòa không thể giành chiến thắng nếu chỉ tập trung làm hài lòng một số thành viên chủ chốt mà không hướng tới bộ phận trung tâm.
TIN LIÊN QUAN
"Tập trung vào chủ nghĩa bảo thủ xã hội - vốn làm cho các cử tri chính thống và ôn hòa xa rời đảng Cộng hòa, sẽ giúp chúng ta có được tới 160 ghế trong Hạ viện tại miền nam và vùng trung tây", Patrick Sammon - chủ tịch một nhóm các thành viên Cộng hòa đồng tính - nhấn mạnh sự khoan dung của xã hội và bảo thủ về tài chính.
"Chúng ta cần các thành viên từ khắp các nơi trên chính trường đăng ký là thành viên Cộng hòa. Chúng ta cần xây dựng nền tảng của đảng dựa trên tương lai chứ không phải quá khứ". Đó có thể là hành động làm cân bằng.
... với Palin?
Ngay cả khi John McCain thất bại trong cuộc bầu cử ngày 4/11 thì ứng viên Phó Tổng thống, người đồng hành với ông là Thống đốc Alaska Sarah Palin vẫn sẽ nổi lên như một người chiến thắng, Ron Bonjean một nhà phân tích kỳ cựu nhận định.
Ông Ron là cựu phụ trách truyền thông của Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert (1999-2007) và lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Trent Lott, hiện là CEO của công ty chuyên về các vấn đề công chúng.
Sau khi bất ngờ được chọn làm ứng viên Phó Tổng thống, Palin đã chứng tỏ được rằng Barack Obama không độc quyền với "sự thay đổi". 95% số người Mỹ bị Washington làm thất vọng vẫn đang lắng nghe người phụ nữ này. Tại sao? Mỹ vẫn là một quốc gia trung hữu.
Người dân đơn giản là thấy mệt mỏi với thứ ngôn ngữ giống nhau của giới chính khách cấp cao. Palin nắm được mong muốn của người Mỹ về một gương mặt chính trị mới, người có thể nói một cách trung thực với họ bằng thứ ngôn ngữ mà họ có thể hiểu rõ.
Vậy Thống đốc Palin sẽ làm gì với tư cách là một động lực chính trị mới sau khi đảng Cộng hòa có thể gặp thất bại trong cuộc bầu cử?
Làm chính xác những gì Thượng nghị sĩ Hillary Clinton đã làm sau nỗ lực không thành công nhằm giành đề cử ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ: Sẵn sàng cho một cuộc đua mới.
Tạo dựng cuộc vận động cho Sarah Palin. Palin và gia đình nên quay lại Alaska - nơi bà là một Thống đốc được ưa chuộng và xây dựng danh tiếng mới nổi.
Thậm chí, ngay cả khi có cơ hội thì Palin cũng không nên tìm kiếm một ghế trong Quốc hội. Nếu Palin tranh cử làm Thượng nghị sĩ, bà sẽ nhanh chóng trở thành một phần của giới quyền uy. Palin sẽ có lợi hơn nếu là người ngoài cuộc.
Tổng thống Bill Clinton dùng Hiệp hội các Thống đốc quốc gia để chứng tỏ khả năng và tạo liên kết. Palin cũng có thể dùng tổ chức này và Hiệp hội các Thống đốc là người Cộng hòa để giúp bà thăng tiến. Palin nên chiếm lĩnh các cuộc tranh luận về năng lượng và nên đi khắp thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo về chính sách ngoại giao, thiết lập thêm nhiều quan hệ quốc tế.
Tất cả những điều này sẽ giúp bà có được một vị trí trên tấm vé bầu Tổng thống năm 2012.
Palin cần bao bọc quanh mình những nhân vật nổi trội. Nữ thống đốc này cần suy nghĩ thấu đáo về người mà bà sẽ chọn vào nội các của mình. Đó không thể là bạn bè hay hàng xóm với hàng loạt vấn đề đáng ngờ về khả năng chuyên môn.
Palin đã bị chỉ trích vì không có độ sâu trong các vấn đề chính sách. Cấp dưới của Palin phải là những người có năng lực cao nhất, người biết cách thúc đẩy chương trình nghị sự của bà trong khi điều đình với đảng phái khác.
Palin nên bao bọc mình bằng các nhà phân tích thông minh từ các nhóm cố vấn thiên về bảo thủ như Heritage, Viện doanh nghiệp Mỹ và Học viện CATO. Các tổ chức này sẽ đưa ra các ý tưởng để Palin xây dựng chương trình nghị sự nhằm giải quyết các vấn đề. Lần lượt, họ sẽ tiếp sinh lực cho nền tảng hoạt động của Palin.
-
Hoài Linh (Theo Reuters, NY Post)