Theo hãng tin BBC, Tổng thống Mỹ vừa mới đắc cử Barack Obama sẽ phải đối mặt với 10 thách thức lớn về chính sách ngoại giao, như vấn đề Trung Đông, hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan...
1. Vai trò của Mỹ trên thế giới
Một kết luận chắc chắn được rút ra từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2008 là: Cử tri Mỹ hy vọng chính sách ngoại giao thời ông Bush sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ.
Sự đối kháng sẽ được thay thế bằng các biện pháp ngoại giao. (Ảnh: Corbis)
Trong đó, nổi bật hơn cả sẽ là việc chuyển từ chủ nghĩa đơn phương sang đa phương, ít nói về nước Mỹ như "siêu cường duy nhất trên thế giới". Sự đối kháng có thể phải nhường chỗ cho các biện pháp ngoại giao khác.
Tuy nhiên, các đời Tổng thống Mỹ vẫn thường bị cuốn vào các cuộc xung đột.
Tổng thống đắc cử Obama sẽ nhậm chức trong hoàn cảnh nước Mỹ đang tham dự vào hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Vậy nên việc Obama xử lý vấn đề chiến tranh như thế nào sẽ giúp định nghĩa rõ kỷ nguyên của ông.
2. Cuộc chiến Iraq
Obama nói, ông sẽ yêu cầu các tư lệnh quân đội Mỹ điều chỉnh sứ mệnh của binh sĩ nước này ở Iraq thành "kết thúc chiến tranh một cách thành công", nhưng ông cho rằng phải kết thúc chiến tranh theo hướng "có trách nhiệm".
Ông xác định phải dành thời gian cho Chính phủ Iraq tăng cường lực lượng quân sự, trong khi Mỹ sẽ rút quân theo từng giai đoạn trong vòng 16 tháng sau khi nhậm chức, tức là trước tháng 5/2010.
Đây có thể là thành công lớn về ngoại giao của Obama. Tuy nhiên, Mỹ sẽ giữ lại một bộ phận binh sĩ ở Iraq để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, vì thế việc không rút quân hoàn toàn là điều đã thấy trước.
3. Chiến tranh ở Afghanistan
Đây chắc chắn sẽ là một trong những thách thức nghiêm trọng của Obama, bởi trong khi cuộc chiến Iraq đang giảm dần độ nóng thì ở Afghanistan lại đang nổi lên.
Obama cam kết "sẽ tập trung sức lực vào vấn đề Afghanistan" và điều thêm hai lữ đoàn chiến đấu tới quốc gia này. Ông cũng hứa sẽ tấn công các phần tử al-Qaeda, đặc biệt là Osama bin Laden, ở những nơi mà chúng ẩn náu.
Tuy nhiên, nếu muốn cải thiện tình hình ở Afghanistan, thì điều bắt buộc phải làm là nâng cao hình ảnh và uy tín của chính phủ nước này, đồng thời đưa ra được một chính sách hiệu quả hơn đối với Pakistan (thực tế, bản thân sự ổn định của quốc gia này cũng đã là một vấn đề), từ đó mới có thể tiêu diệt được tận gốc các phần tử vũ trang Taliban và al-Qaeda đồn trú ở khu vực biên giới Pakistan.
4. "Cuộc chiến chống khủng bố"
Cụm từ nổi tiếng dưới thời Tổng thống Bush này có thể sẽ ít nổi trội hơn trong kỷ nguyên Obama.
Obama muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tư tưởng. (Ảnh: Corbis)
Obama hy vọng giành được chiến thắng trong "cuộc chiến tư tưởng" bằng cách "phục hồi việc thực thi chính sách ngoại giao phù hợp với quan điểm giá trị truyền thống của nước Mỹ, hợp tác ôn hòa với các quốc gia Hồi giáo để ngăn chặn sự truyền bá tư tưởng của al-Qaeda".
Song, đây vẫn sẽ là một thách thức khó khăn đối với chính sách của ông.
Ông từng nói, "sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để tiêu diệt các phần tử khủng bố có khả năng tạo nên sự uy hiếp trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ".
5. Vấn đề Iran
Nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể sẽ là một thách thức lớn về ngoại giao đối với Obama. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Iran. Nếu Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium, thì tân Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục những biện pháp trừng phạt, thậm chí còn mở rộng và tăng cường hơn nữa.
Chưa hết, việc Iran tiếp tục chương trình hạt nhân, có thể sẽ dẫn tới trường hợp Israel tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Và hậu quả của vụ tấn công đó sẽ rất nghiêm trọng.
Obama từng nói ông sẽ đối thoại "vô điều kiện" với Iran, nhưng không nhất định là phải hội đàm ngay ở cấp Tổng thống, trong khi đó giới lãnh đạo Iran xem ra ít có khả năng từ bỏ các hoạt động làm giàu uranium. Vậy nên, cho dù hai bên có đạt được thỏa thuận, thì nội dung cũng sẽ phải bao gồm việc công nhận Iran có quyền tiếp tục làm giàu uranium, chỉ là dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
6. Tiến trình hòa bình Trung Đông
Tổng thống Bush từng hy vọng Israel và Palestine sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình vào cuối năm nay, nhưng xem ra giấc mộng này khó thành hiện thực.
Và vì lẽ đó, Tổng thống đắc cử Obama sẽ phải đối mặt với một vấn đề tồn tại lâu nay là Mỹ có thể phải can dự nhiều hơn vào tiến trình hòa bình này. Giai đoạn đầu tiên là cuộc tổng tuyển cử của Israel diễn ra vào ngày 10/2 năm tới.
Ngoài vấn đề giữa Israel-Palestine, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Pakistan đều tồn tại hàng loạt nguy cơ, và giờ đây còn bao gồm cả Syria. Rõ ràng, nếu Mỹ muốn ổn định cục diện Iraq, thì không thể không nhận được sự giúp đỡ của Syria.
7. Quan hệ với Liên bang Nga
Cuộc xung đột giữa Nga và Grudia đã kéo căng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Vậy Chính phủ mới của Mỹ sẽ thực thi chính sách với Nga như thế nào, trong khi Mỹ vẫn cần sự giúp đỡ của Nga trong vấn đề Iran và Dafur.
Nga lo ngại việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. (Ảnh: AFP)
Vấn đề trực tiếp nhất trong quan hệ Nga-Mỹ hiện nay là việc có nên để Grudia và Ukraine gia nhập ngay Khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) hay không. Các Ngoại trưởng NATO sẽ thảo luận về vấn đề này trong tháng 12.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay Chính phủ Bush cũng cho rằng, việc Grudia gia nhập NATO sẽ phải "sau nhiều năm nữa", do vậy Mỹ vẫn còn có cơ hội cải thiện quan hệ với Nga.
Ngoài ra, việc Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng sẽ là một vấn đề cần coi trọng trong quan hệ với Nga. Việc Obama xử lý quan hệ với Nga như thế nào quan hệ chặt chẽ với thái độ của ông trong việc xử lý vấn đề hạt nhân.
8. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Bước đi mới đây của CHDCND Triều Tiên là một biểu hiện tích cực. Bình Nhưỡng đã đồng ý về mặt thủ tục sẽ xác minh việc ngừng chương trình hạt nhân để đổi lại việc Washington đưa quốc gia này ra khỏi danh sách các nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên có thể sẽ giữ lại những vũ khí hạt nhân mà họ từng tuyên bố sở hữu, vậy vấn đề khó khăn với tân Tổng thống sẽ là liệu ông có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân hay không?
9. Quan hệ Trung - Mỹ
Nhìn chung, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực đều rất quan trọng, bởi Trung Quốc cũng là một trong năm quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có ảnh hưởng lớn trên thế giới về mặt kinh tế.
Trung Quốc trước giờ không phải là một mối lo ngại của Mỹ. Những năm gần đây, Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế trong nước, quan hệ Trung Mỹ tiếp tục phát triển ổn định. Không có dấu hiệu nào cho thấy Obama phải kỳ vọng thêm nữa vào mối quan hệ này.
10. Những nội dung của nền "Ngoại giao mới"
Tài chính, sự thay đổi khí hậu và năng lượng đều là những nội dung quan trọng trong cái gọi là "nền ngoại giao mới".
Giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ nhập khẩu cũng là một thách thức lớn với Obama. (Ảnh: Corbis)
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại sẽ khiến tân Tổng thống phải đích thân can dự nhiều hơn vào các hoạt động tài chính tiền tệ.
Obama sẽ phải xem xét làm thế nào để đối phó với tình hình vị thế của nước Mỹ ngày càng giảm trên trường quốc tế, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.
Obama từng cam kết sẽ có nhiều hành động hơn trong vấn đề ấm nóng toàn cầu và trước năm 2050 sẽ giảm tới 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Đây sẽ là một trong những vấn đề nghị sự quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông.
Một thách thức nữa là vấn đề năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ. Obama hứa trong vòng 10 năm sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Venezuela. Tuy vậy, từ Tổng thống Carter năm 1979 tới nay, các lãnh đạo Nhà Trắng đều tuyên bố Mỹ phải giảm bớt lượng tiêu thụ dầu mỏ, nhưng thực tế đều khó hành động.
-
Đan Tâm (theo BBC, THX)