Hội nghị không chính thức lãnh đạo tổ chức hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 sẽ được tổ chức trong hai ngày 22-23/11 tại thủ đô Lima của Peru.
Tại hội nghị lần này, việc làm thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục là nội dung thảo luận chính. Cùng với đó là các vấn đề thúc đẩy thương mại tự do khu vực, chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Ngoài ra, sự xuất hiện của những gương mặt lãnh đạo mới cũng sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Khủng hoảng tài chính tiếp tục nóng
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại tiếp tục gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế thế giới và việc ổn định thị trường tài chính. Lãnh đạo các quốc gia và khu vực gần đây đã tổ chức nhiều hội nghị để bàn thảo biện pháp ứng phó.
Khủng hoảng tài chính đã đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái. (Ảnh: Corbis)
Trước sau, thế giới đã chứng kiến 3 hội nghị thượng đỉnh quốc tế, từ hội nghị thượng đỉnh Á-Âu, các nước tổ chức hợp tác Thượng Hải cho tới Nhóm 20 quốc gia (G-20) đều tập trung vào vấn đề này.
Tại các hội nghị này, các bên có liên quan đã đạt được nhiều nhận thức chung cũng như nhiều thành quả tích cực về việc đối phó như thế nào với các vấn nạn kinh tế tài chính mà thế giới hiện đang phải đối mặt.
Tuy nhiên các bên vẫn còn những bất đồng về các giải pháp cụ thể trong việc cải cách hệ thống tài chính quốc tế, tăng cường giám sát tài chính... Yêu cầu và mục tiêu giữa hai nhóm quốc gia phát triển và đang phát triển vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định.
APEC hiện có 21 nước thành viên, bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển. Trong đó, 9 thành viên của tổ chức này cũng đồng thời là thành viên G-20.
Thứ trưởng Ngoại giao Peru cho hay, hội nghị Lima lần này sẽ đưa ra một tuyên bố chung về khủng hoảng tài chính toàn cầu, nội dung trong đó sẽ bao gồm việc nâng cao giám sát thị trường vốn toàn cầu, đặc biệt là thị trường tài chính, tăng cường quyền phát biểu của các nước đang phát triển trong hệ thống tài chính thế giới.
Đẩy mạnh tự do hóa thương mại
APEC từ khi thành lập đến nay luôn coi việc giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực là nhiệm vụ chính.
Hạn chế các rào cản thương mại là một trong những ưu tiên của APEC. (Ảnh: Corbis)
Tuy nhiên, những ảnh hưởng mặt trái của cuộc khủng hoảng tài chính đối với nền kinh tế thế giới hiện nay đang không ngừng tăng lên, các hoạt động đầu tư và thương mại trên phạm vi toàn cầu cũng bắt đầu xuất hiện chiều hướng giảm sút rõ rệt.
Trước tình hình đó, không ít quốc gia và khu vực đã áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, hạn chế hàng nhập khẩu, nhằm bảo vệ thị trường và hoạt động sản xuất trong nước.
Việc coi trọng chủ nghĩa bảo hộ thương mại không chỉ làm tăng những va chạm và mâu thuẫn giữa nhiều tổ chức hợp tác khu vực như APEC, khiến việc hợp tác thương mại trong khu vực gặp trở ngại, mà còn khiến tương lai các vòng đàm phán Doha của Tổ chức thương mại thế giới vốn đã đầy rẫy khó khăn lại càng trở nên ảm đạm hơn.
Chủ tịch Ủy ban kinh tế APEC Bob Buckle hôm 18/11 nhấn mạnh, bài học rút ra từ Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước rất sâu sắc. Vào thời điểm đó, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại, không những không thể cải thiện tình trạng kinh tế của họ mà trái lại đã làm suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn và tác động xấu đến chính bản thân họ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xuất hiện tình trạng suy thoái như hiện nay, nguyên tắc từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do sẽ được đặc biệt nhấn mạnh trong hội nghị APEC lần này.
Bên cạnh đó, hội nghị Lima lần này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đàm phán và ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương giữa các thành viên APEC. Theo báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, trường Đại học California Mỹ, các thành viên APEC hiện đã đạt được 25 hiệp định thương mại tự do song phương, 20 thỏa thuận tương tự khác cũng đang trong quá trình thảo luận và đàm phán.
Ngoài ra, hội nghị cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với các vòng đàm phán Doha. Vòng đàm phán thương mại Doha bắt đầu từ năm 2001 nhưng tới nay vẫn chưa đạt được kết quả. Hội nghị Lima được hy vọng sẽ đẩy nhanh việc khởi động lại các vòng đàm phán này, để sớm đạt được kết quả. Những gương mặt mới
Gương mặt đáng chú ý nhất tại hội nghị APEC năm nay sẽ là Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Sau khi tham dự hội nghị Lima, ông sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức 3 nước Mỹ Latin là Brazil, Venezuela và Cuba. Đây không chỉ là lần đầu tiên ông Medvedev tham dự hội nghị không chính thức các lãnh đạo APEC, mà còn là lần đầu tiên Tổng thống Nga tới thăm khu vực Mỹ Latin. Liên bang Nga thời gian gần đây tích cực phát triển quan hệ hợp tác với các nước khu vực này như Venezuela, Cuba, tăng cường trao đổi trên các lĩnh vực quân sự và năng lượng. Vì thế chuyến đi Mỹ Latin lần này của ông Medvedev đặc biệt được dư luận quan tâm chú ý. Một gương mặt khác là Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso. Ông Aso từng tham dự hội nghị cấp bộ trưởng APEC khi còn làm Ngoại trưởng Nhật Bản. Năm nay, ông sẽ lần đầu tham dự Hội nghị APEC với tư cách là Thủ tướng Nhật.
Mặc dù địa vị có thay đổi cao hơn, nhưng dư luận cho rằng tâm trạng của ông Aso khó có thể nhẹ nhõm, bởi theo số liệu thống kê do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm 17/11 thì nền kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng suy thoái đầu tiên kể từ năm 2001. Với Thủ tướng Australia Kevin Rudd và Thủ tướng New Zealand John Key, đây cũng là lần đầu tiên họ tham dự hội nghị không chính thức lãnh đạo APEC. Đặc biệt là đối với ông John Key, người vừa mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tháng này, hội nghị Peru sẽ là lần đầu tiên ông xuất hiện trong một sự vụ mang tính quốc tế, cho nên mọi hành động lời nói của ông đều sẽ bị chú ý tới.
Bên cạnh những gương mặt mới xuất hiện cũng có những gương mặt cũ chuẩn bị chia tay, như Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm George W. Bush. Đây sẽ là lần cuối ông Bush tham dự hội nghị APEC với tư cách là ông chủ Nhà Trắng. Phái phản đối và tổ chức công đoàn ở Peru cho biết, họ sẽ tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn, phản đối chuyến thăm của ông Bush tới nước này. Họ cho rằng, Mỹ là nước đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này và ông Bush cần phải xin lỗi cả thế giới.
Trong các hội nghị không chính thức lãnh đạo APEC hàng năm đều có những gương mặt mới xuất hiện và chia tay với người cũ.
Tổng thống Nga sẽ là chính khách được chú ý nhất tại APEC 16. (Ảnh: Corbis)