Khẩu chiến giữa Thủ tướng Nouri al-Maliki, Tổng thống Jalal Talabani và hai phó tổng thống của ông Talabani xảy ra khi người dân Iraq đang bị chia rẽ trước một dự thảo thoả thuận an ninh song phương với Mỹ, có nội dung cho phép binh sĩ Mỹ lưu lại Iraq thêm 3 năm nữa.
Thủ tướng Nouri al-Maliki (trái) và Tổng thống Jalal Talabani (Ảnh: AFP)
Nhiều phe phái tại Iraq đã phản đối thoả thuận an ninh với Mỹ, viện dẫn lí do rằng nó nuôi dưỡng cái mà họ xem là sự chiếm đóng nước này.
Tuy nhiên, những người ủng hộ thoả thuận như Thủ tướng Al-Maliki lại cho rằng đó là cách khả thi duy nhất để Iraq giành lại chủ quyền toàn diện vào năm 2012.
Điểm mấu chốt trong cuộc tranh cãi mới giữa ông Al-Maliki và Tổng thống Talabani là sự ra đời "các hội đồng hậu thuẫn", bao gồm những thành viên bộ lạc ủng hộ chính phủ, bắt đầu từ năm 2008, khi Thủ tướng tiếp quản các hoạt động quân sự chống lại những tay súng người Shi’ite ở miền nam Iraq.
Một số người coi các hội đồng trên là một âm mưu của thủ tướng nhằm tạo ra căn cứ hậu thuẫn tại các khu vực mà những đối thủ người Shi’ite của ông đang thống trị hoặc tại các khu vực của người Sunni để chống lại ảnh hưởng của những nhóm được Mỹ bảo trợ trước các cuộc bầu cử cấp tỉnh vào ngày 31/1/2009.
Theo Thủ tướng Al-Maliki, việc lập "các hội đồng hậu thuẫn" là cần thiết nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh chính phủ, tương tự như các nhóm người Sunni đã hợp tác với người Mỹ chống phiến quân Al-Qaida tại Iraq. Tuy nhiên, văn phòng của Tổng thống Talabani phản đối động thái này.
Vụ cãi vã là sự cố mới nhất trong hàng loạt tổn thất chính trị đang trầm trọng hoá sự kình địch kéo dài giữa các phe phái ở Iraq. Quốc gia này đang vật lộn tìm lại sự cân bằng sau nhiều năm bạo lực đẫm máu.
-
Thanh Bình (Theo AP)