Sự đổ vỡ của hệ thống tài chính toàn cầu cũng đáng kinh ngạc và chưa từng có tiền lệ như vụ khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ.
Ngoài điều đó, hai thảm họa này thực sự rất khác nhau. Những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính rõ ràng lớn hơn và làm phương hại đến nhiều người ở nhiều quốc gia hơn.
Tuy nhiên, sự kiện 11/9 và những tác động sau đó có thể là giúp chúng ta tìm hiểu về một số cạm bẫy cần phải tránh khi xảy ra những thảm họa như cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại.
Phản ứng thận trọng
Vụ tấn công 11/9 quả thực là một cú sốc đối với Mỹ. (Ảnh: Corbis)
Có thể bài học quan trọng rất rút ra từ sự kiện 11/9 là phản ứng của nước Mỹ trước cuộc tấn công và những hành động tiếp sau đó.
Những cú sốc như sự kiện 11/9 nhất định sẽ gây ra – thực ra là đòi hỏi – những phản ứng mạnh tay của Chính phủ, nhưng hệ quả của những phản ứng đó kéo dài rất lâu sau khi xảy ra sự kiện ban đầu.
Bài học này sẽ áp dụng cho sự sụp đổ tài chính: Các điều luật, thiết chế, biện pháp kiềm chế và kích thích từ chương trình cứu trợ của Chính phủ sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta rất lâu sau khi những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp đã dịu đi.
Sự nguy hại là những phản ứng mất cân đối và thụ động về kế hoạch của Chính phủ có thể làm vấn đề thêm trầm trọng.
Hãy xem xét những tác động ngoài dự tính của việc đưa quân vào lãnh thổ Iraq: một Iran trở nên táo tạo, sự trỗi dậy của Taliban và việc Mỹ mất dần khả năng lãnh đạo trong những lần diễn ra khủng hoảng toàn cầu.
Chưa hết, ở Iraq, nơi những vấn đề gai góc nhất đã nổi lên sau khi có một cuộc tiếp quản quân sự thành công, việc quản lý sau khi thực hiện chương trình cứu trợ tài chính sẽ có ý nghĩa quan trọng sống còn.
Cơn ác mộng Iraq càng trở nên trầm trọng do những sai lầm trong chiến lược, bộ máy nhân sự, việc thi hành và kiểm soát những nỗ lực sau khi chiếm đóng. Tương tự, chương trình giải cứu tài chính có thể bị tác động chí mạng bởi những sai lầm trong việc giải ngân các nguồn quỹ hay thậm chí trong việc bố trí nhân sự tại những cơ quan chịu trách nhiệm thi hành chương trình cứu trợ này.
Chẳng hạn, một trong những tài sản kế thừa từ sự kiện 11/9 là Bộ An ninh Nội địa Mỹ, một bộ máy quan liêu khổng lồ. Đây là một ví dụ điển hình về sự sai lầm trong công tác tái tổ chức do những chỉ thị hấp tấp của Quốc hội gây ra. Một bộ máy quan liêu khổng lồ không hề kém cạnh, bị chi phối bởi những cơn bột phát trong lúc sợ hãi, có thể xuất hiện do kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính này.
Hợp tác đa phương
Sự hợp tác của nhiều bên luôn là điều cần thiết. (Ảnh: Corbis)
Một bài học nữa từ sự kiện 11/9 là nước Mỹ sẽ cần đến mọi sự trợ giúp có thể có được từ những nước khác để xử lý cuộc khủng hoảng.
Mặc dù cả sự kiện 11/9 lẫn sự sụp đổ của thị trường tín dụng thứ cấp đều diễn ra trên đất Mỹ, song sức lan tỏa trên phạm vi quốc tế của chúng thì vô cùng mạnh.
Và mặc dù những người đóng thuế Mỹ sẽ phải chịu gánh nặng của cả gói cứu trợ lẫn tác động của nó, song sự hỗ trợ từ các nhà chức trách từ Anh đến Trung Quốc sẽ vẫn là điều tuyệt đối cần thiết.
Trên thực tế, bài học từ sự kiện 11/9 là sự phối hợp ở cấp độ chuyên môn có thể quan trọng hơn so với những phát biểu hùng hồn nhưng sáo rỗng của các nhà lãnh đạo quốc gia. Sau sự kiện 11/9, trong khi Quốc hội Mỹ luôn ở thế gay gắt với nước Pháp do nước này đã phản đối cuộc chiến ở Iraq, thì cơ quan tình báo hai nước vẫn cộng tác với nhau chặt chẽ và hiệu quả.
Điều tương tự cũng đang diễn ra với các cơ quan tình báo tại những nước mà lãnh đạo của họ đang có những bài diễn văn lên án mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.
Sự cộng tác chuyên môn của các quan chức chính phủ – được duy trì qua những thời kỳ lâu dài và nằm ngoài tầm để ý của các phương tiện truyền thông – cũng quan trọng đối với việc chèo lái thành công cuộc khủng hoảng tài chính này không kém gì những cuộc họp thượng đỉnh giữa các vị nguyên thủ quốc gia.
Cách mà các nhà quản lý ngân hàng trung ương ở Bắc Kinh và Moscow phối hợp hành động với những người đồng cấp của mình ở Washington và Frankfurt sẽ là một nhân tố quyết định quan trọng đến cách thức chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Cũ và mới
Sẽ là sai lầm nếu coi những mô hình mới là phao cứu sinh và phủ nhận hoàn toàn những giá trị trước đây. (Ảnh: Corbis)
Một đặc điểm song song nữa giữa sự kiện 11/9 và cuộc khủng khoảng tài chính là ở chỗ các nguồn công quỹ lâu nay không được dành cho các nhu cầu quan trọng khác (y tế, giáo dục, nghèo đói) bất ngờ được hiện thực hóa.
Sức ảnh hưởng của mối đe dọa và yêu cầu phải hành động nhanh chóng và kịp thời đã tạo nên một lối suy nghĩ, đó là đưa ra những quyết định mà trong đó tiền bạc không thành vấn đề.
Sự thiếu tôn trọng các nguyên tắc kiềm chế ngân sách này là biểu hiện của một bài học khác từ sự kiện 11/9: Sự mê đắm một “mô hình mới” và coi thường những ý tưởng và thiết chế cũ.
Việc cho rằng một thực trạng mới đã biến những nguyên tắc và ý tưởng được nuôi dưỡng bấy lâu nay trở nên lỗi thời là điều rất nguy hiểm. Nó dẫn đến giả thuyết cho rằng mọi lời dự đoán đều vô ích, mọi ý tưởng cũ đều vô hiệu, và những khái niệm hoàn toàn mới chưa được kiểm chứng là tất yếu phải có.
Những ý tưởng vội vàng, thậm chí là khinh suất, được đưa ra thực hiện và tôn vinh. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại cho chúng ta cuộc chiến ở Iraq, mà còn cả nhà tù Vịnh Guantanamo, sự xói mòn quyền tự do công dân, việc coi thường Công ước Geneva, và việc coi những cơ chế thường được sử dụng để kiểm soát chi tiêu Chính phủ là những điều phiền toái quan liêu không thể chấp nhận được.
Và giờ đây, chương trình cứu trợ tài chính sẽ mang lại cho chúng ta một tổ chức tài chính lớn nhất thuộc sở hữu của Chính phủ, sự thay đổi nhanh chóng trong các quy định tài chính, và một hệ thống ngân hàng chỉ còn vài điểm giống với chính bản thân nó chỉ một vài tháng trước.
Không kết thúc cũng chưa mở đầu
Khủng hoảng tài chính sẽ biến đổi thế giới. (Ảnh: Corbis)
Cuộc tìm kiếm một mô hình mới nhằm thay thế các niềm tin và thiết chế có trước khi xảy ra khủng hoảng đang khiến nhiều người đi đến kết luận rằng chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ giờ đây đã chết.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói rằng: “Ý tưởng về một thị trường toàn năng mà không cần luật lệ hay bất kỳ sự can thiệp chính trị nào là hoàn toàn điên rồ”. Ông còn nói thêm rằng: “Việc tự điều tiết đã kết thúc. Chính sách thả sức kinh doanh cũng đã kết thúc”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cũng nhất trí: “Chủ nghĩa tư bản sơ khai là một con đường không lối thoát”. Chắc chắn là cuộc khủng hoảng tài chính này đã cho thấy yêu cầu phải có một cơ chế giám sát và điều tiết tài chính hiệu quả hơn. Nhưng việc thực hiện chúng sẽ không đánh dấu cho sự chấm hết của chủ nghĩa tư bản.
Hàng triệu người Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và người dân những nước khác sẽ tiếp tục là những người tham gia tích cực vào nền kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết. Và những công ty từ Seattle đến Đài Bắc rồi Lyon sẽ tiếp tục đổi mới và đầu tư, tiếp tục mua và bán.
Cuộc khủng hoảng tài chính này chắc chắn sẽ được nhìn nhận như một dấu hiệu khác cho thấy rằng nước Mỹ đang trượt dốc: “Nước Mỹ sẽ mất địa vị siêu cường của mình trong hệ thống tài chính thế giới… Thế giới sẽ không bao giờ trở lại như thế nữa”, Bộ trưởng Tài chính Đức nói trước nghị viện nước này hồi cuối tháng 9. Những ngôn từ gần giống như vậy cũng từng được thốt ra sau sự kiện 11/9.
Tuy nhiên, dẫu cho thế giới đã thay đổi, nhưng ít theo những cách mà các nhà bình luận đã dự đoán. Cuộc khủng hoảng tài chính này sẽ làm chuyển biến sâu sắc nền kinh tế toàn cầu và đưa đến những hệ quả sâu sắc hơn và lâu dài hơn so với sự kiện 11/9. Song nó không đánh dấu sự chấm hết của chủ nghĩa tư bản cũng như không phải là sự bắt đầu cho cái chết của nước Mỹ.
-
Mai Trang (theo Foreign Policy)