Các tàu chiến của Nga đã tiến vào hải phận Venezuela hôm 25/11 trong một cuộc phô diễn sức mạnh khi Moscow tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ ở Mỹ Latinh.
Đây là lần xuất hiện đầu tiên của tàu chiến Nga ở Caribbean kể từ Chiến tranh lạnh và trùng với chuyến thăm Venezuela của Tổng thống Dmitry Medvedev.
Hải quân Nga ở cảng La Guaira của Venezuela (AFP)
Tổng thống Chavez của Venezuela muốn Nga giúp xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác dầu khí cũng như hỗ trợ ông chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Ông Chavez cũng muốn vũ khí của Nga. Venezuela đã mua vũ khí Nga trị giá hơn 4 tỷ USD, gồm máy bay chiến đấu Sukhoi, trực thăng và 100.000 khẩu súng trường Kalashnikov. Hai bên có thể thảo luận việc mua xe tăng Nga hoặc các loại vũ khí khác khi ông Medvedev gặp Chavez vào ngày 26/11.
Tuy nhiên, tham vọng của Nga ở Mỹ Latinh có thể bị các sự kiện toàn cầu thử thách. Cả Venezuela và Nga đang chịu tác động của việc giá dầu giảm mạnh. Tham vọng của họ là những người bảo trợ lớn đối với các lãnh đạo có đầu óc tương tự đã bị hoài nghi do áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay trên thế giới.
Việc triển khai tàu chiến Nga ở Venezuela được coi là hành động thể hiện sự tức giận của Moscow đối với quyết định của Mỹ gửi tàu chiến đưa hàng cứu trợ tới Grudia sau các các cuộc giao tranh Nga-Grudia, cũng như kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ ở Đông Âu.
Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ đã chế nhạo hành động phô viễn sức mạnh nói trên. ’’Liệu có chiếc tàu kéo nào đi kèm những chiếc tàu chiến đó không. Tôi không nghĩ là có bất kỳ sự hoài nghi nào về việc ... khu vực Mỹ Latinh hướng tới ai về mặt sức mạnh chính trị, kinh tế, ngoại giao cũng như quân sự. Nếu Venezuela và Nga muốn tập trận quân sự, chẳng sao cả. Tuy nhiên, chúng ta sẽ theo dõi sát sao hành động của họ’’, phát ngôn viên Sean McCormack của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu trước báo giới, nói rằng Hải quân Nga chỉ là cái bóng của Hải quân Liên Xô.
Khi Nga đưa hai máy bay ném bom chiến lược tới Venezuela hồi tháng 9, một số người đã so sánh sự kiện này với việc triển khai vũ khí của Liên Xô ở Cuba trong Chiến tranh lạnh. Tuy vậy, cả hai nước đã đưa ra những tín hiệu muốn hợp tác với Tổng thống mới đắc cử của Mỹ và ông Chavez nói với báo giới rằng thật là lố bịch khi so sánh những cuộc tập trận hải quân này với Chiến tranh lạnh. ’’Đây không phải là một hành động khiêu khích. Đó là sự trao đổi giữa hai đất nước tự do’’, ông nói.
Các cuộc tập trận bên trong vùng kinh tế của Venezuela tại phía đông Caribbean sẽ bắt đầu vào ngày 1/12 tới nhằm giúp thủy thủ nước này tập luyện khả năng do thám, tuần tra chống buôn lậu ma túy, các chiến dịch chống khủng bố, tìm kiếm và cứu nạn. Các cuộc tập trận phòng không với hai máy bay chiến đấu Sukhoi mà Venezuela mới mua của Nga sẽ không sử dụng đạn thật.
’’Chính sách thực dụng của Nga cho thấy nước này sẽ hài lòng với một chuyến thăm ngắn ngủi của Tổng thống Nga, chứ không phải triển khai quân dài hạn ở Venezuela bởi hành động đó có thể gây căng thẳng nghiêm trọng với Mỹ, đặc biệt là vào lúc Nga muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền mới’’, nhà phân tích Anna Gilmour nhận định.
Chuyến thăm Peru, Brazil, Venezuela và Cuba của ông Medvedev được hoạch định trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cẩu nổ ra. Theo biên tập Fyodor Lukyano của tạp chí Global Affairs, Nga hiện phải giảm bớt các tham vọng ở Mỹ Latinh do hầu bao không còn nặng như trước, chẳng hạn như hoãn các dự án xây dựng một đường ống dẫn khí chạy xuyên Nam Mỹ.
Tuy vậy, Nga vẫn quan tâm tới việc bán nhiều vũ khí hơn và tăng cường thương mại với Mỹ Latinh và Venezuela có thể giúp mở các cánh cửa cho Nga ở khu vực này. Nga được lợi về sức mạnh quốc tế trong khi Venezuela có được một đồng minh mạnh.
- Minh Sơn (theo AP)