Tin đồn ngày càng lan rộng ở Bangkok rằng quân đội Thái Lan sẽ tiến hành một cuộc đảo chính nhằm chấm dứt nhiều tháng đối đầu giữa Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) và chính phủ cầm quyền.
Tin đồn này xuất hiện sau khi Tư lệnh quân đội Thái là Tướng Anupong Paochinda gợi ý hôm 27/11 rằng Thủ tướng Somchai nên kêu gọi các cuộc bầu cử trước thời hạn và ông Somchai đã bác bỏ đề xuất này. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông ở Thái Lan đưa tin về sự di chuyển của xe tăng mà quân đội sau đó nói rằng đó chỉ là một cuộc diễn tập.
Người biểu tình ngủ ở sân bay quốc tế tại Bangkok (AP)
Tháng 9/2006, quân đội nước này đã lật đổ Thủ tướng lúc đó là ông Thaksin Shinawatra trong một cuộc đảo chính không đổ máu sau nhiều tháng PAD tổ chức biểu tình. PAD cho rằng Thủ tướng Somchai, em rể của ông Thaksin, chỉ là con rối của Thaksin mà thôi. Họ cáo buộc ông Thaksin và các đồng minh của ông tham nhũng cũng như lạm dụng chức quyền. Ông Thaksin hiện đang sống lưu vong.
Tối 27/11, ông Somchai đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cáo buộc PAD ’’giữ đất nước và công chúng làm con tin’’. Ông Somchai hiện đang ở Chiang Mai kể từ khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru hôm 26/11. Các cuộc biểu tình phản đối kéo dài ba tháng qua đã làm chính phủ Thái Lan tê liệt, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, khiến các nhà đầu tư tháo chạy và giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch nước này.
Tình trạng khẩn cấp chỉ hạn chế ở các khu vực quanh hai sân bay ở Bangkok, trao quyền cho chính phủ đình chỉ một số quyền tự do công dân, trong đó có việc hạn chế đi lại và cấm tụ họp. Với sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, cảnh sát đã được ủy quyền đẩy người biểu tình khỏi hai sân bay Don Muang và Suvarnabhumi. Người biểu tình tại đây đã chuẩn bị sẵn mặt nạ và mũ cứng để đối phó với khả năng trấn áp của cảnh sát.
Khả năng chính phủ trấn áp những người biểu tình đang chiếm đóng hai sân bay ở Bangkok có thể dẫn tới đối đầu giữa quân đội và chính phủ. Quân đội Thái Lan có lập trường mềm mỏng đối với các cuộc biểu tình hiện nay. Ông Somchai nói rằng không quân và hải quân sẽ giúp cảnh sát song rất mập mờ về sự tham gia của lục quân, chỉ nói rằng chính phủ cũng sẽ yêu cầu lục quân ’’hỗ trợ nhân dân’’.
TIN LIÊN QUAN
Tướng Anupong hôm 26/11 đã loại trừ khả năng lục quân sử dụng vũ lực. Trong khi đó, GS khoa học chính trị Panithan Wattanayagorn thuộc ĐH Chulalongkorn ở Bangkok nhận định Nếu chính phủ sử dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp và quyết định trấn áp người biểu tình, quân đội có thể quyết định can thiệp để ngăn chặn hành động đó’’. Không có dấu hiệu của cảnh sát hoặc quân đội quanh sân bay quốc tế ở Bangkok vào đêm 27/11.
Cho tới nay, ông Somchai vẫn chưa sử dụng vũ lực để đẩy người biểu tình khỏi tòa nhà chính phủ và kêu gọi cảnh sát kiềm chế. ’’Thủ tướng nói rằng chúng ta phải sử dụng các biện pháp hòa bình’’, phát ngôn viên chính phủ Nattawut Sai-kua nói. Ông cho biết các quan chức an ninh trước tiên sẽ đàm phán với người biểu tình và ’’tiến từng bước, theo các tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp’’. Tuy nhiên, PAD tuyên bố sẽ không đàm phán cho tới khi chính phủ từ chức.
Sáng 27/11, cả chính phủ và quân đội đã phủ nhận khả năng đảo chính. Tuy nhiên, những lời trấn an này dường như không mấy hiệu quả. Tờ Nation đưa tin nhiều doanh nghiệp ở Bangkok đã cho nhân viên nghỉ sớm do lo ngại khả năng đảo chính quân sự. Nhiều cơ quan chính phủ cũng đóng cửa sớm.
-
Minh Sơn (theo AP, BBC)