Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) và người đồng nhiệm Venezuela Hugo Chavez tại cảng La Guardia, gần Caracas, hôm 27/11. (Ảnh: AFP) |
Các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tên lửa tương tự hồi năm 1962 giữa các đối thủ thời đó. Tuy nhiên, họ tin rằng Moscow đang cố gắng giành lại sự ảnh hưởng ở nơi được gọi là sân sau của Mỹ bằng cách mở rộng sự hợp tác về quân sự và kinh tế.
Tăng cường quan hệ toàn diện
Trong chuyến công du kéo dài cả tuần lễ tới Peru, Brazil, Venezuela và Cuba, và tham dự Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở Lima (Peru), Tổng thống Medvedev được tháp tùng bởi một đoàn đại biểu gồm các quan chức cấp cao và các doanh nhân Nga. Trước đó, một số tàu chiến Nga đã tới Venezuela để tập trận chung với hải quân nước này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
"Mỹ Latinh rất đặc biệt. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi đã không để ý nhiều đến nơi này trong những năm trước và, có lẽ, chúng tôi đã sai lầm. Mỹ Latinh là một khu vực phát triển nhanh chóng với các nguồn lực rất lớn về tự nhiên và con người.
Quan trọng nhất là người dân nơi đây mong muốn phát triển hợp tác tòan diện với chúng tôi", ông Medvedev nói trong đoạn video đăng trên trang web của Kremlin khi ông trên đường từ Havana về Moscow.
"Chuyến đi thực sự hữu ích, không chỉ đề cập tới khả năng phục hồi các quan hệ trước đó của chúng tôi mà còn bắt đầu các mối quan hệ mới với một số nước trong khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng trước bối cảnh có nhiều vấn đề về an ninh quốc tế".
Tiếp sau các cuộc hội đàm giữa ông Medvedev và người đồng nhiệm Venezuela Hugo Chavez, hàng loạt thỏa thuận đã được ký kết, liên quan đến các lĩnh vực như đóng tàu, thăm dò dầu khí, sử dụng năng lượng hạt nhân, hàng không và miễn visa.
Báo chí Nga đưa tin, hai quốc gia nhiều dầu lửa và khí đốt cũng nhất trí sử dụng các đồng bản tệ trong thanh toán chung, thành lập một ngân hàng chung và thúc đẩy hợp tác quân sự cũng như công nghệ quân sự.
Tại Cuba, Tổng thống Medvedev đã hội đàm với Chủ tịch Raul Castro và cam kết sẽ mở rộng các quan hệ kinh tế chính trị với đối tác truyền thống ở vùng biển Caribbe này.
Trong các hướng dẫn về chính sách đối ngoại ban hành hồi tháng 7, Tổng thống Medvedev cam kết sẽ phát triển một mối quan hệ đối tác chiến lược với Brazil và mở rộng sự hợp tác kinh tế - chính trị với các quốc gia Mỹ Latinh khác, trong đó có Argentina, Mexico, Cuba và Venezuela.
"Đây là một quyết định quan trọng về địa chính trị: Chúng tôi sẽ phát triển quan hệ với Mỹ Latinh và các quốc gia vùng Caribbe", ông Medvedev nhấn mạnh khi kết thúc chuyến công du.
Tổng thống Nga Dmiry Medvedev (trái) và Chủ tịch Cuba Raul Castro ở Havana. (Ảnh: Reuters) |
Lời cảnh báo đối với Washington?
Mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã đóng băng kể từ khi Mỹ lên kế hoạch triển khai một lá chắn tên lửa ở châu Âu, động thái Kremlin cho là sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia Nga.
Mọi thứ thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn nữa sau cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Grudia.
Moscow cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả nếu như hệ thống lá chắn của Mỹ, trong đó có các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một trạm radar ở Cộng hòa Séc được triển khai.
Nga cũng nối lại các hoạt động tuần tra của máy bay ném bom chiến lược trên các đại dương, phái tàu chiến đi thăm và tham gia tập trận chung trên Địa Trung Hải và biển Carribbe.
Theo đánh giá của một số nhà quan sát, chuyến thăm của Tổng thống Medvedev tới Mỹ Latinh là một bước tiến nữa nhằm đối phó với Washington mặc dầu ảnh hưởng của nó sẽ chỉ có giới hạn.
"Tôi cho rằng Mỹ Latinh sẽ có cùng quan điểm về vấn đề phòng thủ tên lửa... nhưng tôi không cho là chúng ta sẽ chứng kiến bất cứ một liên minh chiến lược nào", trang web Russian Profile dẫn lời Eugenia Voiko, một chuyên gia về chính sách ngoại giao tại Trung tâm Môi trường Chính trị Nga, cho biết.
Giới quan sát tin rằng chuyến công du của Tổng thống Medvedev là nhằm giúp nước Nga giành lại ảnh hưởng trên trường quốc tế, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang làm thay đổi trật tự tài chính thế giới.
Trong chuyến thăm, ông Medvedev còn đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh BRIC, bao gồm đại diện đến từ các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
-
Thanh Hảo (Theo THX, Itar-Tass)