221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1134137
Khoảng tối của vụ khủng bố Mumbai
1
Article
null
Khoảng tối của vụ khủng bố Mumbai
,

Lịch sử thành phố lớn nhất đất nước Ấn Độ này hẳn sẽ ghi nhớ mãi vụ khủng bố 26/11/2008, một ngày đẫm máu kinh hoàng.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có tới 150 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương, hàng chục khách sạn tan hoang. Vụ khủng bố này đã làm người dân Mumbai cảm thấy bất an, đồng thời cũng cho thế giới thấy được những khoảng tối phía sau đó.

Hoạt động khủng bố ngày một phức tạp 

Các vụ khủng bố ở Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng hơn, số lượng thương vong nhiều hơn. (Ảnh: Reuters)

Vài năm trở lại đây, hàng nghìn người Ấn Độ đã thiệt mạng bởi các vụ khủng bố. Số lượng các khủng bố ngày càng nhiều, mức độ ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, số thương vong nhiều hơn.

Hành động tấn công Mumbai lần này là vụ có quy mô lớn thứ 10 trong năm nay, sau các vụ đánh bom liên hoàn hồi tháng 5 ở Jaipur, Bangalore, Ahmedabad, New Delhi.

Là một trong những trung tâm tài chính lớn, đồng thời là thành phố đông dân cư nhất Ấn Độ, Mumbai đã từng 3 lần bị khủng bố tấn công.

Hai lần trước là vào các năm 1993 và 2006, mỗi lần làm thiệt mạng hơn 200 người. Còn vụ khủng bố lần này, xét về mức độ nghiêm trọng, số thương vong và khó khăn trong xử lý thì đều vượt xa hai lần trước đây. Có thể chỉ ra mấy đặc điểm nổi bật sau:

Một là, kế hoạch khủng bố được chuẩn bị kỹ lưỡng, thủ đoạn tàn nhẫn. Vũ khí trang bị của bọn khủng bố lần này tiên tiến hơn nhiều, được huấn luyện thuần thục. Với lựu đạn và súng AK-47 trong tay, chúng nã đạn vào đám đông dân chúng, chiếm xe cảnh sát, tấn công nhà hàng, bệnh viện, bắt cóc con tin.

Các nhà phân tích cho rằng, việc đánh bom liên hoàn đồng thời với tấn công vũ trang, bắt cóc con tin ở nhiều mục tiêu khác nhau trong vụ khủng bố này không hề giống bất cứ một vụ tập kích nào trước đó.

Hai là, người nước ngoài cũng trở thành mục tiêu tấn công. Các vụ khủng bố trước đây thường xảy ra ở khu vực chợ, trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe hoặc là đền thờ, nơi chủ yếu tập trung người dân bản xứ, có rất ít người nước ngoài.

Còn lần này, vụ tấn công nhắm vào khách sạn 5 sao Taj Mahal và khu ngụ cư của người Do Thái. Mục tiêu tấn công chủ yếu là người nước ngoài. Đây cũng là hiện tượng khủng bố khác biệt đầu tiên ở Ấn Độ.

Quá nhiều lý giải

Trong tình hình các nước trên thế giới đều tăng cường công tác chống bạo loạn, thì khủng bố tại Ấn Độ vẫn hoành hành như cũ, chủ yếu do một số nguyên nhân sau: 

Quá nhiều nguyên nhân dẫn tới các hành động khủng bố ở Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Trước tiên là do xung đột giáo phái ở nước này khá nghiêm trọng. Nguyên nhân cốt lõi dẫn tới Ấn Độ liên tục xảy ra các vụ khủng bố là các tổ chức chủ nghĩa tôn giáo cực đoan quá nhiều.

Hiến pháp Ấn Độ quy định, nhà nước thực thi chế độ chính trị thế tục, nhưng khi thực hiện lại vấp phải rất nhiều khó khăn, giữa các giáo phái thường xảy ra xung đột.

Ngày từ năm 1947, sau khi Ấn Độ và Pakistan phân chia quyền lợi chính trị, các tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo đã trở thành hai nhóm lợi ích khác nhau. Phe Hồi giáo than phiền rằng nơi họ sinh sống không bằng chỗ của người theo Ấn Độ giáo.

Ngược lại, đa số tín đồ Ấn Độ giáo cho rằng, Chính phủ đã quá ưu đãi cho cộng đồng đạo Hồi. Sau những năm 1980, việc tranh giành lợi ích giữa hai bên ngày càng quyết liệt. Người ta tin rằng kẻ đứng đằng sau giật dây nhiều vụ đánh bom ở Ấn Độ là các giáo sỹ tôn giáo.

Nguyên nhân kế tiếp là từ các hoạt động khủng bố tràn lan. Các nước xung quanh Ấn Độ như Afganistan, Pakistan đều là những vùng đất thường xảy ra các vụ tập kích.

Mấy năm gần đây, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan ấm dần lên, năm nay hai bên còn khôi phục quan hệ kinh tế biên giới, điều này đã khiến một số tổ chức li khai cảm thấy bị sức ép và từ đó tìm cách thông qua tấn công khủng bố để khiến quan hệ hai nước lại bị đóng băng.

Sự phát triển không cân bằng cũng là một nguyên nhân khác dẫn tới sự bất ổn ở quốc gia này. Ấn Độ là quốc gia có diện tích lớn, dân số đông, tốc độ phát triển giữa thành thị và nông thôn cách xa nhau, khoảng cách giàu nghèo quá lớn.

Kinh tế một số vùng dân tộc thiểu số còn lạc hậu, khiến họ dần dần thấy bất mãn, gây ra mâu thuẫn dân tộc và nổ ra xung đột. Chỉ tính riêng khu vực Đông bắc nước này, số tổ chức vũ trang chống đối Chính phủ đã hơn 30 nhóm. 

Thêm vào đó, chính phủ Ấn Độ thời gian qua tuy đã tích cực thông qua đối thoại và đàm phán để giải quyết những mẫu thuẫn xã hội, giảm thiểu hoạt động khủng bố, song hiệu quả thu được còn quá thấp. 

Vụ khủng bố tại Mumbai đã giáng một đòn nặng nề vào uy tín của Chính phủ đương nhiệm. 2009 là năm tổng tuyển cử của Ấn Độ. Cuối tháng 11 năm nay, Ấn Độ có 6 bang lần lượt tiến hành bầu cử tại địa phương. Kết quả của từng địa phương sẽ liên quan mật thiết tới sự thắng bại trong tuyển cử vào năm sau của các liên minh nắm chính quyền. 

Tuy nhiên, tình hình Ấn Độ từ nay tới tổng tuyển năm sau sẽ yên ổn hay tiếp tục tái diễn các vụ khủng bố đẫm máu. Câu hỏi đó thật sự khó trả lời.                                     

  • Quang Vững (Theo THX)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>