Phát ngôn viên Chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh cũng kêu gọi đối thoại nhằm cải thiện quan hệ giữa Iran và các nước Arập.
Phát ngôn viên Chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh
"Đây là thời điểm cho một chính sách mới, nghiêm túc và bình tĩnh với một tầm nhìn không thành kiến", ông Dabbagh nói sau khi có một bài phát biểu tại Washington.
Chính phủ Iraq do người Shi’ite đứng đầu luôn tỏ ra thân thiện với Iran - quốc gia Hồi giáo nằm dưới sự kiểm soát của người Shi’ite.
Iran và Iraq đều là các quốc gia có người Hồi giáo Shi’ite chiếm đa số. Nhiều thành viên thuộc liên minh do người Shi’ite đứng đầu của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã tìm nơi ẩn náu ở Iran dưới thời cựu Tổng thống Saddam - khi người Arập Sunni thiểu số thống trị Iraq.
Với sự hậu thuẫn của Washington kể từ sau khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, Chính phủ Iraq đã luôn ủng hộ đàm phán giữa Mỹ và Iran.
Các nhà phân tích cho rằng giới chức Iraq đang tích cực thuyết phục ông chủ mới của Nhà Trắng về mong muốn thu xếp các cuộc thương thuyết thực chất hơn nữa giữa hai đối thủ truyền thống.
Khác với Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm George W. Bush, ông Obama từng tuyên bố ủng hộ việc đối thoại trực tiếp với Iran, ngay cả khi ông đe doạ sẽ siết chặt các lệnh cấm vận chống quốc gia Hồi giáo này về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Sự đối đầu giữa Mỹ và Iran đôi khi làm gia tăng căng thẳng giữa Tehran và Baghdad. Iran và Iraq từng bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm hồi những năm 1980.
Các quan chức Iran buộc tội Washington đang đẩy Iraq vào tình trạng hỗn loạn đẫm máu và phản đối một hiệp ước an ninh mới kí kết giữa Mỹ và Iraq vốn cho phép binh sĩ Mỹ lưu lại Iraq cho tới cuối năm 2011. Trong khi đó, Mỹ cáo buộc ngược lại rằng chính Iran đã góp phần nuôi dưỡng bạo lực ở nước láng giềng.
-
Thanh Bình (Theo Reuters, AFP)