Chuyến thăm Iraq chóng vánh và cuối cùng trên cương vị là Tổng thống Mỹ của ông Bush là sự vỗ về cho cái thường được coi là cuộc thập tự chinh cá nhân của ông.
Tổng thống Bush và người đồng nhiệm Iraq (Reuters) |
Vị tổng thống sắp mãn nhiệm này bỏ lại đằng sau một cuộc chiến mà thậm chí cả ông và các tướng lĩnh của ông thừa nhận vẫn chưa kết thúc, cũng như một quốc gia bị tàn phá với sự chia rẽ chưa có hồi kết.
Chắc chắn là tình hình ở Baghdad an toàn hơn so với cách đây 1 năm. Ông Bush đã tới thăm vùng Xanh vào ngày 14/12 mà không mấy lo ngại về những quả đạn pháo từng rơi như mưa xuống khu vực này chỉ cách đây 6 tháng.
Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn thông thường, quốc gia Trung Đông này còn lâu mới an toàn. Gần 6 năm sau cuộc xâm lược do Mỹ tiến hành, các vụ đánh bom, bắt cóc và phục kích vẫn xảy ra như cơm bữa ở Iraq. "Vẫn còn nhiều việc phải làm. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc’’, Bush nói sau cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Maliki.
An ninh vẫn bất ổn vì lính gác có vũ trang vẫn phải căng mắt quan sát các khu phố để phát hiện những mối đe dọa khi họ hộ tống các quan chức Mỹ đi ra ngoài vùng Xanh. Sự chia rẽ giữa những người Shiite, Sunnis và Kurds - ngòi nổ của cuộc chiến sau khi Saddam Hussein bị lật đổ - vẫn sâu sắc.
Gần 150.000 lĩnh Mỹ đang đóng tại Iraq, sau khi ông Bush ra lệnh bổ sung thêm quân Mỹ nhằm dập tắt bạo lực ở đó. Kiến trúc sư của kế hoạch tăng quân này, Tướng David Petraeus, thậm chí không thích dùng từ "chiến thắng’’ khi đề cập tới cuộc chiến ở Iraq.
Tháng 9 vừa qua, Tướng Petraeus, đã nhậm chức tư lệnh quân Mỹ ở Trung Đông. Trước khi ra đi, ông nói rằng "cuộc chiến ở Iraq không phải là cuộc chiến kiểu như đánh chiếm một quả đồi, cắm cờ rồi về nhà duyệt binh chiến thắng. Đó không phải là một cuộc chiến với khẩu hiệu đơn giản’’.
Mỹ đã mất hơn 4.200 binh sĩ ở Iraq mới học được sự thật đơn giản đó. Sự hiện diện của lính Mỹ tại Iraq là sai lầm trong nhiều năm, bắt đầu với cái mà ông Bush gọi là "thất bại tình báo’’. Thất bại đó đã khiến ông tin rằng Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Sau đó, Bush đã huy động đủ quân để đánh bại quân đội của Saddam, song không đủ để duy trì luật và trật tự. Quyết định giải tán quân đội Iraq năm 2003 và thanh trừng các thành viên trong đảng của Saddam đã khiến hành nghìn người Ảrập Sunnis nổi dậy.
Các quan chức Mỹ chậm chạp đối phó với những người nổi dậy này. Sa thải họ với lý do họ là "tay chân’’ của chế độ Saddam, Lầu Năm góc không lường trước được cuộc chiến giữa người Sunnis và người Shiite - cuộc chiến đã đẩy quốc gia này tới bờ vực nội chiến vào năm 2006.
Mỹ cũng nhanh chóng trao trách nhiệm cho các lực lượng an ninh mới toanh của Iraq - một sai lầm chỉ được sửa chữa sau đó bằng chiến lược tăng quân. Khi công chúng Mỹ bắt đầu phản đối cuộc chiến Iraq, Bush vẫn rất quyết tâm, ngay cả khi uy tín của ông giảm xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử.
Ông Bush ra lệnh tăng quân Mỹ tại Iraq năm 2006 sau khi Đảng Cộng hòa mất đi đa số ghế ở Quốc hội và phớt lờ lời khuyên của một số nhà ngoại giao kỳ cựu nhất của đảng cầm quyền.
Các chuyên gia sẽ tranh cãi trong nhiều năm nữa liệu chiến lược tăng quân nói trên, hay cuộc nổi dậy của người Sunnis chống lại al-Qaeda ở Iraq hay quyết tâm của Chính phủ Shiite cầm quyền chống lại các chiến binh Shiite đã góp phần làm bạo lực suy giảm ở Iraq. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tình hình yên tĩnh tạm thời này sẽ kéo dài bao lâu.
Gần 100.000 quân nổi dậy Sunnis đã quay mặt với al-Qaeda và gia nhập lực lượng với Mỹ, người trả tiền cho họ. Tuy nhiên, họ có thể quay lại với al-Qaeda nếu chính phủ do người Shiite đứng đầu không tôn trọng các cam kết về việc làm cho họ.
Al-Qaeda ở Iraq hay ít nhất hơn một chục nhóm Sunnis khác vẫn hoạt động, đặc biệt là ở miền Bắc. Mặc dù quân đội Mỹ và Iraq đã trấn áp các chiến binh Shiite hồi mùa xuân năm ngoái song các tư lệnh Mỹ thừa nhận rằng nhiều chiến binh Shittes đã tránh né họ và có thể tái tập hợp. Trước tình hình không chắc chắn này, các tư lệnh Mỹ vẫn rất thận trọng.
Tương lai nằm trong tay của người kế nhiệm ông Bush, Tổng thống mới đắc cử Barack Obama, và chính người dân Iraq. Ông Obama, khi vận động tranh cử, đã hứa hẹn chấm dứt cuộc chiến mà ông đã phản đối trước sau như một. Thỏa thuận an ninh Mỹ - Iraq mới được phê chuẩn đặt ra thời gian biểu rút quân Mỹ khỏi Iraq vào năm 2012 - điều mà ông Bush đã phản đối trong nhiều năm qua.
Thách thức hiện giờ là quản lý giai đoạn cuối của cuộc chiến tốt hơn lúc ban đầu. Obama sẽ giữ lại Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates trong chính quyền Bush để làm công việc đó. "Điều quan trọng là chúng tôi duy trì đủ lực lượng ở Iraq để chúng tôi có thể giúp họ trong năm chuyển tiếp này. Chúng tôi không muốn lùi bước bởi chúng tôi đã đạt được quá nhiều tiến bộ tại đây’’, Tư lệnh Mỹ Raymond Odierno nói.
-
Minh Sơn (theo AP)