Chính quyền Bush hôm nay (19/12) đi tới quyết định cứu ngành ô tô Mỹ bằng cách cho các công ty sản xuất ô tô đang gặp khó khăn là GM, Chrysler và Ford vay 17,4 tỷ USD.
Ngành sản xuất ôtô Mỹ đang bên bờ phá sản. (Ảnh: AP) |
Một quan chức chính quyền cho biết, khoảng 13,4 tỷ USD sẽ được cung cấp ngay trong tháng này và tháng tới, số còn lại sẽ được cấp sau. Theo đó, General Motors Corp sẽ nhận được 9,4 tỷ USD, Chrysler là 4 tỷ USD. Đây là hai công ty từng tuyên bố sẽ không thể thanh toán các hoá đơn nếu không có sự trợ giúp của chính phủ liên bang. Ford Motor Co cho biết, họ chưa cần hỗ trợ ngay lập tức.
Khoản 13,4 tỷ USD trên thuộc gói cứu nguy 700 tỷ USD dành cho các tổ chức tài chính. Chính phủ cũng đặt hạn chót là ngày 31/3/2009 để các công ty phải tự đứng vững, nếu qua thời hạn này mà họ không đưa ra được kế hoạch nào thì các khoản vay sẽ bị thu hồi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khả năng tự đứng vững có nghĩa là các công ty phải có giá trị hiện tại thuần tích cực, vốn không nhất thiết phải có lãi ngay lập tức nhưng đòi hỏi họ phải có lãi tương đối sớm, các quan chức Mỹ cho hay.
Kế hoạch trên của Tổng thống Bush được đưa ra nhằm giữ cho ngành ô tô có thể tiếp tục sống trong một thời gian ngắn, và để chuyển vấn đề dài hạn này cho chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống mới đắc cử Obama.
Gói cứu trợ của Nhà Trắng là phao cứu sinh mà các công ty sản xuất ô tô Mỹ đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng. Ngành này trước đó cảnh báo hết tiền khi mà kinh tế đất nước ngày càng lún sâu vào suy thoái, các khoản vay mà ngành ô tô có được trở nên hiếm và người tiêu dùng ngừng mua xe.
Các công ty sản xuất ô tô tuyên bố kéo dài thời gian đóng cửa để nghỉ lễ. Chrysler đóng cửa toàn bộ 30 nhà máy sản xuất ở Bắc Mỹ trong 4 tuần vì doanh số bán giảm, Ford đóng cửa 10 nhà máy lắp ráp ở Bắc Mỹ thêm một tuần vào tháng 1 và General Motors sẽ tạm thời ngừng hoạt động 20 nhà máy để giảm lượng xe được sản xuất.
-
Hoài Linh (Theo Reuters, AP, BBC)