Nga đã bắt đầu giao tên lửa S-300 cho Iran - hệ thống phòng không có thể giúp Iran đẩy lùi mọi cuộc không kích của Israel và Mỹ vào các địa điểm hạt nhân của nước này, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin hôm 21/12.
Theo ông Esmaeil Kosari, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và Đối ngoại của Quốc hội Iran, Nga và Iran đã đàm phán trong nhiều năm qua về việc mua hệ thống phòng không S-300 và đã hoàn tất thỏa thuận này. Iran sẽ triển khai S-300 để tăng cường an ninh quốc gia tại các vùng biên giới.
(Ảnh: RIA)
Mỹ, các đồng minh châu Âu của Mỹ và Israel nói rằng Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương tình năng lượng hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Iran đã nhiều lần bác bỏ lời cáo buộc này. Gần đây, có nhiều tin đồn rằng Israel - nước duy nhất được cho là có vũ khí hạt nhân trong khu vực - có thể mở các cuộc tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong tháng 10/2008, Bộ Ngoại giao Nga đã phủ nhận tin đồn rằng Moscow sẽ bán hệ thống tên lửa tầm trung S-300 cho Iran, nói thêm rằng Moscow không có ý định bán vũ khí cho các ’’khu vực bất ổn’’. Tuy nhiên, hãng thông tấn RIA của Nga tuần trước đã trích lời các nguồn tin mật rằng Nga đang hoàn tất một hợp đồng S-300 với Iran.
Phiên bản mới nhất của hệ thống S-300 có tầm xa trên 150km, có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo và máy bay. Phương Tây gọi hệ thống này là SA-20. Gần đây, Iran đã nhận 29 tên lửa phòng không Tor-M1 của Nga theo hợp đồng trị giá 700 triệu USD được ký cuối năm 2005. Nga cũng huấn luyện các chuyên gia Tor-M1 cho Iran.
Tên lửa tầm ngắn Tor-M1 mua của Nga, FM-80 mua của Trung Quốc và S-300 có thể tạo nên một hệ thống phòng không đáng tin cậy, có khả năng bảo vệ các cơ sở quan trọng của Iran. S-300 sẽ bắn hạ các mục tiêu phức tạp ở tầm xa trong khi các tên lửa tầm ngắn Tor-M1 và FM-80 sẽ bảo vệ S-300 khỏi các tên lửa, máy bay và máy bay không người lái tầm thấp vượt qua hàng rào S-300.
Việc Nga bán vũ khí và hợp tác hạt nhân với Iran đã làm cho quan hệ giữa Moscow và Washington trở nên căng thẳng. Washington cho rằng Tehran có thể sử dụng những vũ khí này để chống lại quyền lợi của Mỹ trong khu vực cũng như chống lại các nước láng giềng của Iran.
Nga, hiện đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran ở thành phố cảng Busherh, nói rằng Tehran không có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Iran hiện đang chịu ba lệnh trừng phạt của LHQ do từ chối yêu cầu ngừng làm giàu uranium. Nước này quả quyết chương trình làm giàu uranium chỉ nhằm sản xuất điện năng.
-
Minh Sơn (theo Reuters, RIA)