Liên minh châu Âu (EU) hôm 8/1 cho hay Nga sẽ nối lại việc cung cấp khí đốt sau khi đã đạt được thỏa thuận với EU về việc giám sát việc trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức không nói rõ khi nào nhiều ngôi nhà và các doanh nghiệp ở châu Âu có thể bật hệ thống sưởi ấm trở lại sau hai ngày không có khí đốt trong thời tiết lạnh giá.
Thủ tướng Nga Putin muốn Ukraine trả 450 USD/1.000m3 khí (AP)
Nga đã ngừng cung cấp khí tự nhiên cho châu Âu thông qua Ukraine hôm 7/1 khi tranh chấp leo thang giữa Nga và Ukraine. Nga cáo buộc Ukraine rút khí đốt từ các đường ống chạy qua Ukraine để sử dụng trong khi Ukraine bác bỏ cáo buộc này.
Thủ tướng Mirek Topolanek của CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch EU, cho biết Thủ tướng Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel đã nhất trí về cách các nhân viên giám sát EU kiểm tra lượng khí đốt được bơm vào và ra khỏi Ukraine. "Thỏa thuận này sẽ dẫn tới việc Nga cung cấp khí đốt trở lại cho các thành viên EU", trích tuyên bố của Chính phủ Séc.
Hiện vẫn chưa rõ lập trường của Ukraine về tuyên bố trên. Các quan chức cũng không cho biết ai sẽ giám sát và khi nào việc cung cấp khí đốt sẽ được nối lại. Công ty khí đốt độc quyền Gazprom của Nga khăng khăng rằng đại diện của Nga sẽ nằm trong số các giám sát viên ở Ukraine. Kiev đã nhất trí về sự hiện diện của các giám sát viên EU, chứ không phải Nga.
Các giám sát viên EU sẽ tới Ukraine vào ngày 9/1 song vẫn chưa rõ khi nào Nga sẽ bắt đầu bơm khí đốt trở lại. Phải mất 36 tiếng để khí đốt đi qua Ukraine tới EU. 1/4 nhu cầu khí tự nhiên của EU phụ thuộc vào Nga và khoảng 80% trong số này được trung chuyển qua Ukraine. Có một số đường ống nhỏ hơn chạy qua Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.
Công ty Naftogaz của Ukraine đã hứa hẹn sẽ chuyển khí đốt cho Bulgaria đầu tiên. Hàng nghìn ngôi nhà ở Bulgaria bị mất điện và các nhà máy phải đóng cửa do thiếu khí đốt. Ít nhất 15 nước - Áo, Bulgaria, Bosnia, Croatia, CH Séc, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italy, Marcedonia, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia và Thổ Nhĩ Kỳ - đều thông báo nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đã bị ngừng vào hôm 7/1. Đức và Ba Lan cũng cho biết nguồn cung cấp khí đốt cho họ bị giảm mạnh.
Tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine xảy ra đúng vào thời kỳ giá lạnh ở châu Âu. Đã có ít nhất 11 người chết cóng trong tuần này tại châu Âu, trong đó có 10 người ở Ba Lan, nơi nhiệt độ giảm xuống -25 độ C.
Các chính phủ EU đã chỉ trích Nga và Ukraine, nói rằng không thể chấp nhận được khi các ngôi nhà không được sưởi ấm và các doanh nghiệp, trường học phải đóng cửa do thiếu khí đốt vì Nga và Ukraine không tuân thủ cam kết trong hợp đồng cung cấp.
Thủ tướng Nga Putin khăng khăng rằng Ukraine phải trả giá mua khí đốt Nga ngang bằng với mức giá hiện tại ở châu Âu. Để đổi lại, Nga sẽ nhất trí trả gấp đôi phí trung chuyển khí qua Ukraine - một sự thay đổi về lập trường của Gazprom. Trước đây, công ty này đã từ chối trả thêm phí trung chuyển.
Tuy nhiên, Ukraine không nhất trí với đề xuất đó và chỉ trả 235 USD/1.000m3. Trong khi đó, giá khí đốt mà Nga muốn là 450 USD.
-
Minh Sơn (theo AP, BBC)