Kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 800 tỷ USD của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama đã vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ trong chính đảng Dân chủ.
Ông Obama, sẽ nhậm chức trong hai tuần nữa, muốn cắt giảm thuế và tạo việc làm thông qua việc tăng chi tiêu của chính phủ cho các dự án công trình công cộng. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ Dân chủ đã tỏ ý nghi ngờ rằng cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Họ muốn chi nhiều tiền hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Tổng thống Obama họp bàn với các cố vấn kinh tế (AP)
Cố vấn kinh tế Lawrence Summers và trợ lý chính trị David Axelrod của ông Obama đã gặp gỡ các thượng nghị sĩ Dân chủ vào hôm 8/1, sau khi ông Obama đưa ra các nguyên tắc cho kế hoạch của ông. Ông Obama nói rằng kế hoạch này sẽ tạo ra 3 triệu việc làm tới năm 2011.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Kent Conrad, Chủ tịch Ủy ban ngân sách Thượng viện, đã nghi ngờ ý tưởng giảm cho mỗi người đóng thuế và các cặp vợ chồng 500-1.000 USD - một biện pháp nhằm khuyến khích tiêu dùng. "Khi mọi người lo sợ sẽ mất việc làm, nếu họ nhận được thêm 20 USD mỗi tuần họ sẽ không tiêu mà sẽ tiết kiệm nó", ông Conrad nói.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Kerry đã chỉ trích các đề xuất của ông Obama về việc cho các doanh nghiệp hưởng một khoản tín dụng thuế 3.000 USD đối với mỗi nhân công mới mà họ thuê. Ông cho rằng trong điều kiện kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp sẽ không thuê thêm người để sản xuất những mặt hàng không thể bán được.
Thượng nghị sĩ Tom Harkin cũng tỏ ý nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch kích thích kinh tế. Những nghị sĩ này cho rằng chi tiền vào cơ sở hạ tầng, đầu tư trực tiếp hoặc năng lượng sẽ hiệu quả hơn, có tác động nhanh hơn và tạo ra việc làm thực sự.
Đảng Cộng hòa đã hoan nghênh đề xuất cắt giảm thuế trong kế hoạch của ông Obama song nghi ngờ về tác động của kế hoạch đối với ngân sách. Con số thống kê mới cho thấy thâm hụt ngân sách sẽ đạt tới 1,2 nghìn tỷ USD trong năm 2009.
-
Minh Sơn (theo BBC)