Trong những năm gần đây, người ta thường được nghe nhắc tới các thanh niên trọc đầu tại Nga, chuyên thực hiện những hành động bạo lực, khủng bố chống lại người nước ngoài, đặc biệt là người da màu và Hồi giáo. Họ là ai? Động lực nào khiến họ hành động như vậy?
Trở về nguồn gốc
Những thanh niên đầu trọc xuất hiện đầu tiên tại Anh vào khoảng năm 1968-1969. Họ là những người tiêu biểu thuộc tầng lớp "lao động" tại các khu công nghiệp trên khắp nước Anh. Vào thời kỳ này, nhóm người đầu trọc là hiện thân của trào lưu trẻ chống đối tầng lớp tư sản và những ảnh hưởng của thập niên 1960, bao gồm cả các nhóm mặc áo da, cưỡi mô tô...
Thanh niên đầu trọc tham gia biểu tình (AP)
Để làm nổi bật xuất xứ của tầng lớp mình, những thanh niên trẻ này ăn mặc giống công nhân bốc vác và cạo trọc đầu. Họ vay mượn hình ảnh "trọc đầu" từ văn hoá Jamaica để chứng minh quan điểm tích cực của họ đối với nền văn hóa "da màu". Điều này cho thấy làn sóng đầu trọc khởi nguồn không phải là những kẻ phát xít phân biệt chủng tộc.
Bước sang cuối thập niên 1970, làn sóng đầu trọc thứ hai xuất hiện tại Anh. Họ chính là "sản phẩm phụ" của cuộc khủng hoảng kinh tế Anh - một cuộc khủng hoảng dẫn tới tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Lúc này, những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới tại Anh bắt đầu tìm cách gây ảnh hưởng đối với những người đầu trọc bằng cách tuyên truyền các quan điểm phân biệt chủng tộc và buộc tội người nước ngoài chính là kẻ "lấy mất việc làm của người Anh". Khẩu hiệu "Hãy giữ nước Anh màu trắng" nhanh chóng trở thành đặc trưng riêng của họ. Một số người có quan điểm hữu khuynh cực đoan trở thành những kẻ đầu trọc phát xít.
Không chỉ ở Anh, những kẻ đầu trọc phát xít xuất hiện tại Ba Lan, Cộng hoà Czech, Hungaria, Croatia, Slovenia và Bulgaria. Đặc biệt, các nhóm đầu trọc phát xít có ảnh hưởng mạnh được hình thành từ chính những khán giả đi xem bóng đá tại Đức và Anh. Tại Mỹ, các nhóm tương tự cũng được hình thành.
Vào thời kỳ này, còn xuất hiện một nhóm có tên gọi "đầu trọc đỏ". Họ phản đối các quan điểm phát xít và bất kì quan niệm chủng tộc thượng đẳng nào. Họ đấu tranh chống lại bọn đầu trọc phát xít và thường tham gia và các cuộc đụng độ đẫm máu. Tư tưởng của họ dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế và công bằng xã hội. Cho tới ngày nay, các nhóm "đầu trọc đỏ" vẫn tiếp tục hoạt động tại một số nước như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Ba Lan và Tây Ban Nha (xứ Basque).
Đầu trọc Nga, từ đầu thập niên 1990...
Nhóm đầu trọc xuất hiện tại Nga lần đầu tiên vào đầu những năm 1990. Giống như các phong trào văn hoá vay mượn khác của giới trẻ (như hip-pi, phong trào thích nhạc rock, đi xe đạp...), phong trào này đến từ phương Tây. Các thành phố như Moscow, St. Petersburg và Nizhni Novgorod trở thành trung tâm hoạt động của những kẻ đầu trọc Nga.
Tới giữa năm 1998, theo một số thống kê, có khoảng 700-2.000 kẻ đầu trọc tại Moscow; 700-1.500 tại St. Petersburg và 1.000 tại Nizhini Novgorod. Ngoài ra, tại một số thành phố khác như Yaroslavl và Voronezh hay các thành phố vùng Siberia như Irkutsk và Omsk; các thành phố phía Nam như Rostov-trên-sông-Đông, Krasnodar và thành phố miền Viễn Đông Vladivostok, cũng xuất hiện vài trăm kẻ đầu trọc.
Đến cuối năm 1999, con số thanh niên đầu trọc tại Moscow tăng tới khoảng 3.500, tại St. Petersburg tăng lên 2.700, Nizhni Novogorod hơn 1.500 và Yaroslavl, Pskov, Kaliningrad tới 1.000. So với năm 1992 khi chỉ có khoảng mười tên đầu trọc tại Moscow và năm tên tại St. Petersburg, đây là một sự gia tăng đáng kinh ngạc.
Theo nhận định của các nhà khoa học chính trị Nga, có hai lý do để phong trào thanh niên đầu trọc tại nước này phát triển mạnh: thứ nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong thập niên 90 và thứ hai là sự suy thoái của hệ thống giáo dục trong nước.
Thông thường, các thanh niên đầu trọc tụ tập thành từng nhóm nhỏ ngay tại nơi sinh sống và học tập. Phần lớn số này là học sinh trung học, học viên theo học các trường hướng nghiệp và cả những người thất nghiệp. Cùng lúc này, tại một số thị trấn và thành phố Nga đã xuất hiện các tổ chức có trật tự nghiêm ngặt, hoạt động theo kiểu chủ nghĩa dân tộc. Ví dụ, có bốn tổ chức kiểu này hoạt động tại Moscow, bao gồm: "Skinlegion", "Máu và Danh dự - chi nhánh tại Nga", "Lữ đoàn Thống nhất 88" và "Mục tiêu Nga". Tổng thể, bốn nhóm này có khoảng 450 thành viên. Lạ lùng hơn nữa, còn có một nhóm nhỏ các nữ đầu trọc phát xít có tên gọi "Các cô gái Nga". Tại St. Petersburg, cũng xuất hiện vài nhóm như "Quả đấm Nga" gồm 150 thành viên; tại Nizhni Novgorod có nhóm "Phương Bắc" - 150 thành viên và tại Yaroslavl có nhóm "Gấu trắng" gồm 80 thành viên.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ Nga, khoảng 20.000 thanh niên trẻ Nga có thể tham gia nhóm đầu trọc. Phân tích những vụ việc liên quan tới số người này thì thấy những vụ đánh đập, giết hại, bạo loạn mà họ gây ra thường nhằm vào người nước ngoài đến từ vùng Caucasus và các nước châu Á. Đôi khi, mục tiêu tấn công của họ là người Mỹ hoặc châu Âu, song con số này ít hơn. Những kẻ đầu trọc nghĩ rằng chúng đang tìm cách ngăn chặn dân nhập cư vào Nga đem theo nền văn hoá địa phương.
Có thể nhận thấy rõ mối liên hệ giữa phong trào đầu trọc Nga và phong trào phát xít mới tại một số nước. Kể từ năm 1998, đại diện của các nhóm phát xít mới tại Mỹ, Đức và Áo đã tới Nga để "chia sẻ kinh nghiệm" với các thanh niên Nga. Cụ thể là đại diện của nhóm 3K (Ku-Klux-Klan) và NSDAP/OA từ Mỹ; đại diện nhóm Viking trẻ, Liên đoàn Quốc gia Đức, Mặt trận Dân tộc Quốc gia, Mũ Thép, và Liên đoàn Những Người Theo Phái Hữu đến từ Đức. Họ gửi các sách báo, thiết bị và băng cassette tới Nga thông qua các nhóm cực đoan tại Estonia, Latvia và Lithuania.
... cho đến nay
Hiện có hơn 250 tổ chức cực đoan hoạt động trên khắp nước Nga và trụ sở chính thường đặt tại Moscow. Theo thống kê của Trung tâm Chống Phát xít Moscow, tính riêng tại thủ đô, có khoảng 10.000 kẻ cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bài Do Thái hay ủng hộ việc phục hồi đế chế Nga. Tuy nhiên, không một ai tự nhận mình là phát xít nhằm tránh rắc rối với cảnh sát.
Các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc chịu sự kiểm soát của Uỷ ban Chống Chủ nghĩa Cực đoan và Ly khai Khu vực, thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB). "Hoạt động của những tổ chức này là một trong những phạm vi chúng tôi phải kiểm soát. Chúng tôi tập trung đặc biệt vào các phần tử cực đoan. Khi họ đe doạ an ninh công cộng bằng cách tổ chức bạo loạn hàng loạt hay hành động khủng bố, chúng tôi sẽ tiến hành biện pháp đàn áp, cảnh báo rằng tổ chức của họ sẽ bị đóng cửa hoặc cáo buộc họ tội khủng bố, và cướp của." - một quan chức thuộc Uỷ ban cho hay.
Năm 2002, một sinh viên Trung Quốc 19 tuổi đã bị một nhóm đầu trọc đánh đập dã man tại Nevsky Prospekt, St. Petersburg. Tuy nhiên, cảnh sát thành phố từ chối thừa nhận vụ việc này có động cơ phân biệt chủng tộc. Năm 2001, mười sinh viên Trung Quốc đã phải rời Oryol vì cảm thấy nguy hiểm. Các thanh niên đầu trọc bao vây nhà trọ của sinh viên nước ngoài và biểu tình hỗn loạn ngay trước cổng trường. Khi bị bắt, các thanh niên này tỏ ra rất hào hứng khi giải thích về "lý tưởng" của họ: "Nhiệm vụ của chúng tôi là lọc bỏ những kẻ nước ngoài để làm nước Nga trong sạch" (!).
Trước tình trạng này, chính phủ Liên bang Nga đã ban hành Đạo luật "Chống lại hành động cực đoan" nhằm ngăn chặn hoạt động của các tổ chức cực đoan. Đạo luật quy định rằng các hành động theo kiểu "hooligan" được thực hiện do động cơ chính trị, chủng tộc, dân tộc hay hận thù sắc tộc đều bị coi là hành động tội ác và sẽ truy tố theo luật định.
Một số chuyên gia Nga cho rằng các biện pháp ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan cần phải được thực hiện ngay trong tầng lớp trẻ. Theo những người này, để có thể chấm dứt khủng hoảng xã hội, tăng cường sự thịnh vượng của nền kinh tế, đẩy mạnh giáo dục và văn hoá, nên tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)