Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ 60 người liên quan tới vụ bê bối sữa nhiễm hóa chất làm gần 30.000 em bị ốm và 6 em tử vong.
Theo người phát ngôn viện Kiểm sát tỉnh Hà Bắc, các vụ bắt giữ diễn ra trong vài tháng qua, nhưng hầu hết tên tuổi và ngày giờ bắt không được cung cấp.
Người dân Trung Quốc thể hiện sự bất bình bên ngoài tòa án xét xử những người có liên quan tới vụ sữa bẩn (Ảnh AFP/Getty Images)
"21 người trong số đó đã ra tòa xét xử từ ngày 26-31/12 bao gồm bốn quan chức điều hành Tập đoàn Tam Lộc", hãng Tân Hoa xã dẫn lời Trương Đức Lợi, trưởng công tố tỉnh Hà Bắc nói. "Tòa án sẽ sớm đưa ra phán quyết".
Điền Ôn Hoa, cựu Chủ tịch tập đoàn Tam Lộc và ba nhà quản lý khác đã nhận tội danh trong phiên xét xử ngày 31/12 về vai trò trong vụ bê bối sữa bẩn. Điền và ba người khác bị cáo buộc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giả/kém phẩm chất. Họ bị bắt vào cuối tháng 9.
Từ đầu tháng 8 tới giữa tháng 9, Tam Lộc đã sản xuất 904 tấn sữa bột trẻ em nhiễm melamine và tiêu thụ 813 tấn.
Nhà điều tra Trung Quốc đã phát hiện ra gần 70 sản phẩm sữa từ hơn 20 công ty sữa tại đại lục có chứa hóa chất độc hại melamine. Ông Lý Trường Giang, Tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm tra, Kiếm định và Giám sát chất lượng Trung Quốc đã phải từ chức vì vụ việc này.
Bộ Y tế Trung Quốc cho hay, sữa nhiễm hóa chất đã gây ra cái chết cho ít nhất 6 bệnh nhi, và làm 296.000 em nhỏ bị ốm.
Nguyên nhân vụ sữa bẩn được xác định là do melamine trộn vào sữa nguyên liệu pha loãng để đánh lừa máy kiểm tra protein vì đây là một hóa chất giàu ni-tơ, chất vốn được dùng để đánh giá hàm lượng protein trong nhiều cuộc kiểm tra hàng ngày.
Vụ bê bối melamine đã nhanh chóng lan rộng sau khi hóa chất này được phát hiện trong nhiều mặt hàng thực phẩm khác liên quan tới sữa, chẳng hạn như sữa chua hoặc chocolate sản xuất ở Trung Quốc. Hàng chục quốc gia trên thế giới phải thu hồi hoặc dỡ bỏ các sản phẩm sữa của Trung Quốc ra khỏi kệ hàng. Các cuộc kiểm tra sau đó còn phát hiện melamine được trộn vào thức ăn gia súc.
- Kỳ Thư (Theo CNN)