Hôm 21/1, Iran tuyên bố, các nước Hồi giáo đã “sẵn sàng làm việc” với tân Tổng thống Mỹ Obama, và cho biết các quốc gia này luôn hoan nghênh lời hứa tôn trọng lẫn nhau.
Trong bài phát biểu nhậm chức của mình hôm 20/1, Obama đã nói với các nước Hồi giáo: “Chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm”.
Tân Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Huffingtonpost) |
Hôm 21/1, Obama đã kêu gọi những người lãnh đạo của Israel, Palestine, Ai Cập và Jordan đưa ra lời cam kết xây dựng một nền hòa bình giữa Ảrập và Israel, và nói rằng ông muốn có một cuộc nói chuyện với Iran để xoa dịu sự đối đầu giữa Iran và Mỹ kéo dài nhiều năm qua.
Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki đã bày tỏ một thái độ ôn hòa không lâu sau khi Obama tuyên thệ nhậm chức. Ông tuyên bố với các kênh truyền hình và báo chí, “chúng tôi sẵn sàng làm việc với Obama”. Theo ông, Tehran đang chờ đợi “các chính sách thực tế” từ chính quyền Obama trước khi tiến hành một số quyết định đặc biệt.
Ngoại trưởng Mottaki cho rằng, nếu Washington chính thức đề nghị mở một văn phòng ngoại giao ở Tehran, Iran sẽ xem xét ý kiến đó. Tuy nhiên, Washington phải thay đổi các chính sách của chính quyền Bush mà theo ông là các “dựa vào những kẻ hiếu chiến, hay bắt nạt kẻ yếu, những mối quan hệ không bình đẳng”.
“Một Trung Đông mới đang dần được xây dựng. Thế hệ mới ở khu vực này đang muốn sống trong một thế giới công bằng”, ông Mottaki nói.
Mỹ luôn cáo buộc Tehran đang tìm cách tăng cường các loại vũ khí hạt nhân, trong khi Iran một mực phủ nhận.
Tình trạng căng thẳng ở Dải Gaza cũng là một thách thức đối với chính quyền Obama, đặc biệt từ sau khi Israel mở cuộc tấn công dồn dập vào khu vực này. Các nước Hồi giáo hi vọng Obama sẽ cải thiện được tình hình hỗn loạn trên một cách nhanh chóng nhất.
Hành động “chìa tay ra” của chính quyền Obama là bảo đảm đường biên giới của Gaza và kêu gọi việc xây dựng lại khu vực này. Ngược lại, “từ bỏ nắm đấm” của Hamas sẽ bao gồm việc kết thúc nã pháo kích chống lại Israel.
Trong khi đó, một số người ở Israel lo ngại rằng, Obama sẽ nhượng bộ Iran và Palestine. “Tôi thích Bush ở một điểm – Bush là người giỏi chiến đấu với khủng bố. Khủng bố thì có ở khắp nơi trên thế giới”, Tal Kalderom, sở hữu một lò bánh mì ở Jerusalem, nói.
Người Ảrập và người Hồi giáo, đều quan tâm đến việc liệu Obama có giúp cải thiện mối quan hệ và xây dựng được hòa bình thực sự giữa Israel và Ảrập hay không.
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nhấn mạnh trong thư chúc mừng tân Tổng thống Mỹ: “Khu vực đang rất hi vọng chính quyền của ngài sẽ dàn xếp các vấn đề của Palestine để tạo nên một bước ngoặt trong việc giải quyêt các vấn đề khác ở Trung Đông”.
-
Nhật Anh (Theo Huffingtonpost)