Việc Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ một thỏa thuận không xâm lược với Hàn Quốc hôm 30/1 đã tạo ấn tượng mạnh rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến. Động thái này khiến Seoul lo ngại mặc dù luôn có khẳng năng rằng lãnh đạo Kim Jong-il chỉ muốn thu hút nhiều sự chú ý hơn từ Washington mà thôi.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã cảnh báo hôm 29/1 rằng quốc gia này "phải chống lại những điều kiện tồi tệ hơn sắp tới". Sau đó một ngày, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hiệp định "hòa giải, không xâm lược" đã ký trước đây với Hàn Quốc.
Lính gác Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom (AP)
Cách đây hai tuần, một quan chức quân đội cấp cao đột ngột xuất hiện trên truyền hình, đe dọa hủy diệt "những con rối hiếu chiến ở Hàn Quốc".
Chính phủ của ông Lee dường như đang bị bao vây tứ phía, phải vật lộn với nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đồng thời đối mặt với những đe dọa ngày càng dữ dội từ Bình Nhưỡng.
Giờ câu hỏi là liệu những lời nói của Triều Tiên có được diễn giải thành hành động hay không. Nếu xảy ra, nhiều khả năng hành động sẽ bắt đầu ở Hoàng hải, nơi tàu chiến Hàn Quốc và Triều Tiên đã đụng độ đẫm máu vào tháng 6/1999 và tháng 6/2002.
Có lẽ Triều Tiên chỉ muốn gây ấn tượng rằng nước này đang chuẩn bị cho một cuộc chiến và sẵn sàng cử tàu chiến vượt qua hải phận do LHQ phân định hoặc cướp một hòn đảo mà Hàn Quốc đã nắm giữ kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên tới nay.
Mặc dù Bình Nhưỡng lớn tiếng như vậy song hai bên đường phân định vẫn im ắng. Một sĩ quan hải quân nói với hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc rằng quân đội đã được đặt trong tình trạng báo động cao trên đảo Yeonpyeong, nằm cách bờ biển cực tây của Triều Tiên vài kilomet. Ông cho biết không có dấu hiệu Triều Tiên đang khuấy động hải phận vào một ngày mùa đông yên tĩnh.
Ấn tượng ở Hàn Quốc là Triều Tiên đang tìm cách thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton trong khi hai chính trị gia này quá bận tâm tới Trung Đông.
Mặc dù Obama đã hồ hởi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabiya, chuyển tới thế giới Ảrập thông điệp rằng người Mỹ không phải là kẻ thù của họ, song ông lại để cho phát ngôn viên thay ông nói rằng ông "rất coi trọng và thấy cần gấp rút giải quyết vấn đề phổ biến hạt nhân".
Đúng là rất quan trọng. Rõ ràng là Triều Tiên muốn Washington quan tâm hơn một chút song Ngoại trưởng Hillary hầu như không làm cho các vấn đề tốt hơn khi bà nói "Chúng tôi sẽ theo đuổi các biện pháp mà chúng tôi nghĩ là hiệu quả".
Bà Hillary đã phê chuẩn tiến trình đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Các cuộc đàm phán này đã rơi vào bế tắc từ cuối năm ngoái do bất đồng về cơ chế thanh sát việc Triều Tiên đóng cửa tổ hợp hạt nhân. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ lại không nói tới các cuộc đàm phán song phương, điều mà tất cả mọi người cho rằng chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng tiến hành. "Tôi nghĩa là tôi sẽ để lại việc đó như nó vẫn thế", bà Hillary nói.
Liệu động thái hủy bỏ thỏa thuận 1992 và suy ra là thỏa thuận giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên năm 1991 có phải là cách lãnh đạo Kim Jong-il muốn thu hút nhiều sự chú ý hơn từ Washington đối với ông và các chính sách của ông?
Nếu đúng như vậy, Triều Tiên sẽ dịu đi nếu Mỹ nhất trí thiết lập các quan hệ ngoại giao và sau đó đàm phán một hiệp định hòa bình để thay thế thỏa thuận đình chiến chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1953.
Ông Kim Jong-il rõ ràng thiết tha thể hiện mong muốn hòa bình trong một cuộc gặp gần đây với quan chức Wang Jiarui của Trung Quốc, vị khách nước ngoài đầu tiên mà ông gặp kể từ khi có thông tin rằng ông bị đột quỵ hồi tháng 8/2008.
"Triều Tiên không chỉ cam kết giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên mà hy vọng cùng tồn tại hòa bình với các bên liên quan khác", ông nói. Khi tham vấn với Trung Quốc, lãnh đạo này nói rằng Triều Tiên sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán sáu bên.
Khi nhậm chức hồi tháng 2/2008, Tổng thống Lee khăng khăng rằng sẽ không có viện trợ kinh tế vô điều kiện thêm nữa đối với Triều Tiên. Ông nói rằng sự hợp tác sẽ phụ thuộc vào việc Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ các vũ khí hạt nhân.
Chính sách này đã khiến Bình Nhưỡng tức giận. Bấy lâu nay Bình Nhưỡng cho rằng các vấn đề chiến lược như giải trừ hạt nhân nên tách biệt với sự hợp tác du lịch và kinh tế. Do vậy, các chính sách của ông Lee đã dần khiến quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng và ngày càng lỏng lẻo. Mọi dự án du lịch xuyên biên giới cũng như tiếp xúc cấp chính phủ đã bị tạm ngừng. Chỉ có khu công nghiệp chung gần thành phố Kaesong của Triều Tiên vẫn hoạt động.
Nhiều người, tất nhiên là kể cả Triều Tiên, sẵn sàng đổ lỗi cho ông Lee. Nhưng đối với những người ủng hộ ông thuộc phe bảo thủ, những cái bắt tay với Triều Tiên chẳng có nghĩa lý gì và sự lạc quan rằng Triều Tiên sẽ thay đổi đã bị đặt nhầm chỗ bấy lâu nay.
Các nhà phân tích cho rằng việc Seoul từ chối thực hiện chính sách hòa giải song phương trước đây là cớ để Triều Tiên chấm dứt các quan hệ với chính quyền của ông Lee và thay vào đó Bình Nhưỡng tìm cách đối thoại với Tổng thống Mỹ Obama. Tuy nhiên, mọi việc sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền Obama sẵn sàng tiến xa tới mức nào trong quan hệ với Bình Nhưỡng, trong khi vẫn tuân thủ các cam kết về quân sự với Seoul.
Về mặt kỹ thuật, Mỹ và Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ khi ký kết thỏa thuận đình chiến 1953. Mặc dù chính quyền Clinton đã tiến hành đàm phán bình thường hóa quan hệ song phương nhưng cho tới nay Washington vẫn từ chối thảo luận khả năng ký kết hiệp định hòa bình với Triều Tiên.
Nếu quan hệ Mỹ-Triều Tiên được bình thường hóa và một hiệp định hòa bình được ký kết, sau đó Mỹ sẽ cảm thấy khó có thể biện minh cho việc đóng 30.000 quân ở Hàn Quốc.
-
Minh Sơn (theo AT, BBC, RIA)