Các tàu chiến Mỹ đang sử dụng máy bay không người lái để truy tìm bọn hải tặc hoành hành ở ngoài khơi Somalia - một trong những tuyến giao thông đường biển quan trọng nhất trên thế giới.
Những nghi can cướp biển giơ tay đầu hàng hải quân Mỹ, sau khi bị tàu tuần tiễu USS Vella Gulf phát hiện ở Vịnh Aden hôm 11/2. (Ảnh: AFP)
Các thủy thủ trên tàu chiến USS Mahan cho hay, họ đang xúc tiến các chuyến bay do thám hàng ngày nhằm phát hiện ra "tàu mẹ" của bọn cướp biển. Trong thực tế, bọn hải tặc thường dùng "tàu mẹ" kéo các xuồng nhỏ hơn ra khơi và tái cung cấp hậu cần cho chúng.
Suốt nhiều năm qua, Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái để lần ra dấu vết của các nghi can khủng bố. Theo hải quân Mỹ, ngày càng có nhiều máy bay do thám dạng này được điều động để chống hải tặc.
Máy bay không người lái có thể bay ở độ cao hơn 915m, ghi lại những hình ảnh chi tiết tới mức người ta có thể nhận ra lá cờ đang tung bay trên những thuyền đánh cá mà hải tặc Somalia sử dụng để tránh bị phát hiện.
Máy bay không người lái luôn chụp những bức ảnh tĩnh hoặc quay video, rồi ngay lập tức chuyển chúng về cho các tàu chiến Mỹ. Nhà chức trách Mỹ có thể gửi những tư liệu này tới các quốc gia khác thuộc liên minh chống hải tặc có tàu ở gần con thuyền khả nghi.
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Pháp, Nga và Trung Quốc cũng đã cử tàu chiến giúp tuần tra Vịnh Aden.
Hôm 12/2, lực lượng Mỹ đã bắt được 9 tên cướp biển nhờ các hình ảnh về một xuồng nhỏ đang chở theo thang trèo mà máy bay không người lái đã ghi lại được trong một chuyến thị sát ban đêm. Trước đó không lâu, chiếc xuồng khả nghi đã nã đạn vào một tàu buôn.
Tàu chiến Mỹ đã phái các trực thăng tới theo dõi và kiểm soát từ trên không chiếc xuồng khả nghi, đồng thời cử một tàu chở đội truy lùng và bắt giữ hải tặc tới hiện trường. Lực lượng Mỹ sau đó bắt giữ 9 người có mặt trên chiếc xuồng khả nghi và phát hiện nhiều súng tự động cũng như lựu đạn.
Mặc dù các nghi phạm hải tặc đã vứt chiếc thang xuống biển nhưng những bức ảnh do máy bay do thám không người lái chụp, có thể được sử dụng như bằng chứng chống lại chúng trước tòa.
Các nỗ lực chống hải tặc trước đây thường gặp trở ngại do sự mập mờ về việc quốc gia nào có thẩm quyền truy tố nghi can cướp biển. Tuy nhiên, Mỹ và Anh hiện đã kí một thỏa thuận trao đặc quyền này cho Kenya, quốc gia láng giềng của Somalia.
Hải tặc Somalia đã hoành hành ở Vịnh Aden nhiều năm qua nhưng việc chúng bắt giữ chiếc tàu chở vũ khí của Ukraine hồi tháng 9/2008 mới thực sự hướng sự chú ý của quốc tế về vấn nạn này.
Chỉ tính riêng trong năm ngoái, các nhóm cướp biển đã tấn công hơn 100 con tàu qua lại ngoài khơi Somalia với tỉ lệ thành công gần 50%. Số vụ tập kích của hải tặc vẫn không thay đổi sau khi nhiều nước đưa tàu chiến tới Vịnh Aden hồi cuối năm ngoái, nhưng tỉ lệ thành công của chúng đã giảm xuống dưới 30%.
Giới phân tích nhận định vấn đề sẽ không được giải quyết cho tới khi một chính phủ ổn định được thành lập tại Somalia - quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Tại đất nước có gần 1/2 dân số sống phụ thuộc vào viện trợ, những khoản tiền chuộc trị giá hàng triệu USD đã cám dỗ ngày càng nhiều thanh niên trở thành cướp biển.
-
Thanh Bình (Theo AP)