Binh sĩ Pakistan. (Ảnh: AFP)
Sự chỉ trích về thỏa thuận này ngày càng lớn khi một giáo sĩ, được chính phủ cử đi để thuyết phục Taliban ngừng tấn công như một phần của thoả thuận, đến thành phố Mingora thuộc Thung lũng Swat được chào đón như một anh hùng.
NATO cho biết, tổ chức này có 55.000 binh sĩ đóng dọc biên giới ở Afghanistan và nhiều người trong số họ bị tấn công bởi các tay súng Taliban và al-Qaeda được tin là đang trú ẩn ở khu vực tây bắc Pakistan.
"Đó chắc chắn là một lý do để lo lắng", trích lời phát ngôn viên NATO James Appathurai tại Brussels về thỏa thuận mới nhất này. "Chúng ta đều nên lo ngại trước tình hình là các phần tử cực đoan sẽ có một nơi trú ẩn an toàn".
"Các thỏa thuận hòa bình trước đó không đưa ra được một giải pháp toàn diện và dài hạn cho các vấn đề ở Swat", trích thông báo từ Cao uỷ Anh ở Islamabad. "Chúng tôi cần chắc chắn là họ sẽ chấm dứt bạo lực - chứ không phải tạo ra khoảng trống cho bạo lực tiếp tục hoành hành".
Ở thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói hành động của Pakistan vẫn cần được "hiểu một cách thấu đáo". Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ miêu tả thỏa thuận cảu Pakistan là một "diễn biến tiêu cực".
Tại Swat, giáo sĩ Sufi Muhammad cho biết ông hy vọng Taliban sẽ hợp tác với thỏa thuận này.
"Chúng tôi sẽ sớm đối thoại cởi mở với Taliban. Chúng tôi sẽ yêu cầu họ từ bỏ vũ khí. Chúng tôi mong họ sẽ không làm cho chúng tôi thất vọng", ông Muhammad nói với các phóng viên. "Chúng tôi sẽ ở đây, trong thung lũng cho tới khi hoà bình được khôi phục".
Các cư dân đã xếp hàng ở hai bên đường để đón mừng khi đoàn xe gồm 300 người của giáo sĩ Sufi Muhammad chạy qua. Họ vẫy tay và hô vang: "Hòa bình muôn năm! Đạo Hồi muôn năm!".
- Thanh Hảo (Theo AP, THX)