Trong vài giờ nữa, chúng ta sẽ biết liệu cơn địa chấn chính trị giúp Barack Obama lên cầm quyền có tạo ra các dư chấn hâm mộ ở mọi nơi ông công du hay không.
Áp phích Obama tại Ottawa. (Ảnh: AP)
Canada là điểm công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Obama, nơi ông có tỷ lệ ủng hộ rất cao, gần 90%. Do vậy, đây là mảnh đất thử nghiệm đầy thú vị cho lý thuyết trên.
Nhà Trắng tuyên bố, chuyến công du này sẽ khẳng định với thế giới rằng: "Mỹ sẽ mang lại sức sống mới cho các liên minh của nó".
Canada gần như luôn là một điểm dừng chân đầu tiên, cần thiết đối với các Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, "ông Bush đã không làm như vậy và người Canada cảm thấy bị hắt hủi", học giả Jodi White về chính sách công tại Trung tâm Woodrow Wilson nhận định.
"Người Canada sẽ vui mừng vì chuyến thăm này phản ánh giá trị thực sự của mối quan hệ Mỹ-Canada. Sự kiện này đánh dấu việc thừa nhận tầm quan trọng chiến lược của Canada đối với Mỹ", cựu quan chức ngoại giao Paul Frazer của Canada nhận định.
Chuyến thăm Canada thực chất là một bữa ăn trưa mở rộng, chứ không phải một cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Obama và Thủ tướng Harper của nước chủ nhà.
Tuy nhiên, những vấn đề lớn từ kinh tế, quân sự cho tới môi trường, sẽ được thảo luận trong cuộc gặp và giới phân tích có thể tóm được vài manh mối về những nước cờ dự tính của Obama trên trường quốc tế từ chuyến công du đầu tiên này.
Trước tiên là vấn đề thương mại. Canada là biểu tượng của sự vững chắc tài chính trong những năm gần đây sau khi đoạn tuyệt với thâm hụt ngân sách trong quá khứ. Tuy nhiên, sự thịnh vượng trong tương lai của Obama phụ thuộc nhiều vào thể trạng kinh tế của nước láng giềng, hơn là sự vững mạnh về tài chính của Canada.
Chẳng hạn, chính Canada chứ không phải Iraq hoặc Ảrập Xêút là nguồn cung cấp dầu mỏ chính cho Mỹ. Ngày nay, một công ty như General Motors là một doanh nghiệp Bắc Mỹ chứ không phải đơn thuần của Mỹ, vì có cả nhà máy lẫn hệ thống giao dịch ở Canada.
Do vậy, Canada lo ngại về điều khoản "Mua hàng Mỹ" trong kế hoạch kích thích kinh tế mà Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước. Nếu điều khoản trên là dấu hiệu đầu tiên rằng, Mỹ đang ve vãn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đó sẽ là tin xấu đối với toàn thế giới thương mại, đặc biệt là đối với Canada.
Thứ hai, Canada đang sát cánh chiến đấu cùng Mỹ và Anh ở Afghanistan. Tuy nhiên, Canada đã đặt ra thời hạn rút quân là năm 2011 và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ thay đổi quyết định trên. Điều gì sẽ xảy ra nếu Obama yêu cầu Canada lùi thời hạn trên hoặc thậm chí gửi thêm quân?
Hai lãnh đạo chắc sẽ không thể hiện ra mọi bất đồng và có thể đưa ra được giải pháp cuối cùng cho những vấn đề trên trong suốt cuộc gặp mang tính chất tìm hiểu này. Tuy nhiên, sẽ rất thú vị khi xem cách xử lý của Obama.
Theo giới phân tích, ở mỗi vấn đề, do bản năng chính trị của Obama hướng về chủ nghĩa trung dung và thỏa hiệp nên ông sẽ tìm cách làm cho Mỹ giống như một đồng minh dễ chịu, chứ không phải cứng rắn như ông Bush thường làm.
Do vậy, vấn đề Afghanistan sẽ được thảo luận và ông Obama sẽ thúc đẩy cam kết của Canada. Canada sẽ được tái bảo đảm về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch Mỹ.
Ngoài ra, giới phân tích cũng nóng lòng muốn biết ông Obama sẽ xoay sở thế nào tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà vì báo giới chỉ được phép hỏi tổng cộng 4 câu (hai câu bằng tiếng Anh và hai câu bằng tiếng Pháp).
Ông Harper không thích tổ chức họp báo và như lời các phóng viên Canada thì Thủ tướng nước này thích kiểm soát câu hỏi.
-
Minh Sơn (theo BBC, Star)