Các Bộ trưởng tài chính châu Á hôm 22/2 đã nhất trí về nguyên tắc mở rộng một thỏa thuận trao đổi tiền tệ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Theo Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, các bộ trưởng đã nhất trí thành lập một quỹ trao đổi tiền tệ đa phương trị giá 120 tỷ USD. Chi tiết của thỏa thuận sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hua Hin, Thái Lan, từ 27/2 tới 1/3.
Thủ tướng Thái Lan (trái) và Tổng thư ký ASEAN (AP)
10 thành viên ASEAN cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc năm ngoái đã ký Sáng kiến Chiang Mai (CMI). Theo đó, họ cam kết kết hợp các thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương vào một quỹ đa phương trị giá 80 tỷ USD. Các nước có thể sử dụng quỹ này trong trường hợp khẩn cấp.
Suparut Kawatkul, Thư ký thường trực tại Bộ Tài chính Thái Lan, tiết lộ rằng các bộ trưởng sẽ xem xét chi tiết mở rộng CMI và thỏa thuận sẽ được phê chuẩn tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính ASEAN+3 tại Bali, Indonesia, vào tháng 5 tới.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ đóng góp 80% cho quỹ này. Các nước ASEAN sẽ đóng góp phần còn lại.
Phát biểu tại Indonesia hôm 21/2, Thủ tướng Abhisit của Thái Lan nói rằng các nước ASEAN, hầu hết phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch khi các nước trên thế giới tìm cách ngăn nền kinh tế của họ lún sâu hơn vào suy thoái. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù có những cam kết chống bảo hộ mậu dịch song "chúng tôi đã thấy chủ nghĩa mậu dịch đang dần xuất hiện ở nhiều quốc gia và khu vực".
"Điều tôi hy vọng các nước ASEAN sẽ làm tại hội nghị thượng đỉnh tuần tới là gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các nước trên thế giới rằng bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng tôi sẽ không bảo hộ mậu dịch", ông Abhisit nói.
Các đồng tiền châu Á đã bị ảnh hưởng mạnh trong những tháng gần đây, khiến việc ký kết một thỏa thuận trao đổi tiền tệ ngày càng cấp bách. Mục tiêu là cho phép các quốc gia thiếu thanh khoản ngắn hạn vay dự trữ ngoại tệ từ các nước khác để giảm bớt áp lực bán đối với đồng tiền nước họ.
-
Minh Sơn (theo Reuters, BBC)