221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1167614
Thời khủng hoảng, TQ tìm cách hút nhân tài hồi hương
1
Article
null
Thời khủng hoảng, TQ tìm cách hút nhân tài hồi hương
,

Rất nhiều người Trung Quốc di cư tới Mỹ nay đang tìm cách trở về đại lục, nơi có thể mang lại cho họ cơ hội nghề nghiệp giàu có, tươi sáng hơn.

Thượng Hải vươn lên thành trung tâm tài chính quốc tế, cạnh tranh cùng Hongkong và Singapore, nỗ lực hút nhân tài. (Ảnh: Ccisabroad)

Tôn Hạ, chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ ngành lý thuyết vật lý tại UCLA, dự kiến sẽ tìm việc làm ở khu tài chính Phố Wall sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ với những nhân sự mới, vị tiến sĩ tương lai người Trung Quốc này đang tìm kiếm những cơ hội khác, ở đất nước nơi anh ra đi.

"Tôi dứt khoát tính đường trở lại", Tôn Hạ, 27 tuổi, người luôn tự nuôi mơ ước lập nghiệp tại Mỹ, giờ đây đang tìm cách liên lạc lại với bạn bè ở Trung Quốc. "Họ cần những người tìm về".

Chính phủ Trung Quốc gọi những người như Tôn là "rùa biển" vì chuyến đi của họ thường vượt qua đại dương, sau đó trở về giúp đỡ phát triển nền kinh tế đại lục. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra một chiến dịch thu hút những nhân tài này trở về đất nước, dành hàng triệu USD để tạo ra một môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, ngân hàng, nhà nghiên cứu, kỹ sư "hồi hương".

Trong một hội chợ việc làm kéo dài 10 ngày vào tháng 12/2008, các ngân hàng, trường đại học và cơ quan chính phủ của Trung Quốc đã phỏng vấn hơn 4.400 người từng học tập ở London, Chicago và New York.

Thành phố Quảng Châu đã thành lập quỹ trị giá 30 triệu USD để thu hút các chuyên gia tài chính nước ngoài. Thậm chí, chính quyền thành phố Thâm Quyến còn lên kế hoạch cử người tới Mỹ mùa hè này tham gia chiến dịch tuyển mộ nhân sự kỹ năng cao.

Sự phát triển kinh tế vượt bậc tại Trung Quốc trong thập niên qua đã là ngọn đèn thắp sáng, "cột mốc" để rất nhiều người từ Mỹ và các nước khác quay lại quê hương. Năm ngoái, số sinh viên Trung Quốc theo học ở nước ngoài trở về nước đạt mức kỷ lục: 50.000 người, tăng 6.000 người so với năm trước và nhiều gấp đôi năm 2004.

Theo các chuyên gia thống kê, dù chưa có số liệu chính thức, nhưng sự hiện diện của những người Trung Quốc hồi hương, những người gốc Hoa sinh ra ở nước ngoài đã tăng từng năm.

Tại Thượng Hải, hơn 4.000 doanh nghiệp do lưu học sinh trở về thành lập, đạt giá trị hơn 500 triệu USD đầu tư.

Charles Trương, người sáng lập ra một trong những cổng Internet lớn nhất Trung Quốc, Sohu.com, từng theo học tại MIT. Tại Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc danh giá, có 80 người từng đi học ở nước ngoài. Còn tại Viện Hàn Lâm Kỹ sư Trung Quốc, con số này chiếm hơn một nửa.

"Ở Thượng Hải giờ đây, bạn có thể tìm thấy hầu hết các thứ như tại Mỹ", Greg Ye, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh doanh Harvard, người trở về đại lục và thành lập NewMargin Venture, quỹ đầu tư tư nhân cho biết. "Tôi cảm thấy ở đây thậm chí còn có nhiều cơ hội hơn".

Thông điệp tích cực

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc mong muốn ngày càng có thêm nhiều người học tập sinh sống ở nước ngoài hồi hương trong vài năm tới. "Họ muốn gửi đi một thông điệp tích cực rằng, chính phủ nhìn về phía trước", Clay Dube, Trợ lý Giám đốc Học viện Mỹ-Trung tại USC đánh giá.

Mặc dù chưa rõ thành công của chiến dịch tuyển mộ nhân tài tới đâu, nhưng các hãng tài chính ở Thượng Hải gần đây đã thu hút được 53 ứng viên từ các hội chợ việc làm "chất lượng cao", thống kê của Tạp chí Tài chính Thái Kinh.

Một tờ báo Trung Quốc cũng đưa tin, nhà sản xuất ô tô đại lục Phúc Điền đang ngắm tới những nhân công thất nghiệp tại Detroit, với hy vọng thuê được khoảng 10 chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và tiêu thụ.

Thời điểm trước khi bùng nổ kinh tế vào thập niên 90, nhiều sinh viên Trung Quốc thích ở lại nước ngoài, trong khi đại lục đang vật lộn với quá trình chuyển dịch từ kinh tế quốc doanh sang thị trường. Nhưng với tốc độ phát triển ở thập niên qua, ý tưởng trở về đất nước đã ngày một tăng lên và trong rất nhiều trường hợp, ngày từ ngày du học, họ đã mang trong mình khát vọng trở về lập nghiệp.

Các tập đoàn đa quốc gia cũng mở nhiều văn phòng ở Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân mọc lên như nấm, mức sống tăng vọt ở các thành phố duyên hải... "Thế hệ trẻ ngày nay không ngại ngần khi nói tới sự trở lại", Henry Trương thuộc Chinese Finance Assn., công ty tham gia tổ chức hội chợ việc làm ở New York cho biết. "Tôi nghĩ đây là sự thay đổi lâu dài".

Trương từng rời Trung Quốc theo học ngành vật lý tại Đại học Texas ở Austin năm 1989. Anh nói ở lại Mỹ sẽ giúp anh nhiều cơ hội hơn. "Trước đây, bạn tới Mỹ và không bao giờ quay lại", Trương cho biết. "Bạn không nuối tiếc, bạn chỉ lao về phía trước". Giờ đây, Trương đã trở về Trung Quốc thường xuyên để dạy học trong những trường kinh doanh quốc tế.

Thượng Hải, điểm đến đầu tiên cho nhiều người trở về, đang cố gắng nắm bắt cơ hội có người tài trong bối cảnh sụt giảm kinh tế toàn cầu, khi chuyển mình thành trung tâm tài chính quốc tế, cạnh tranh với Hongkong và Singapore.

Việc tuyển dụng diễn ra hầu như thường xuyên. Vào cuối tháng 12 vừa qua, một nhóm "rùa biển" đã mời 65 ứng viên ở nước ngoài, tới khách sạn Marriott ở Phố Đông trong hai ngày. Sự kiện này được chính quyền Phố Đông ủng hộ, và giúp các giám đốc điều hành ngân hàng, cơ quan nghiên cứu cơ hội tiếp xúc với những người như Will Lỗ, người làm việc cho một ngân hàng ở Los Angeles.

Lỗ sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, 34 tuổi, tốt nghiệp Đại học Kinh doanh Marshall, nói rằng, anh ở đây để kết nối với những nhân vật đình đám trong chính quyền và doanh nghiệp. "Như ở Phố Wall, bạn phải biết ai đó mới có thể bước chân vào ngành công nghiệp được".

Sự kiện ở Phố Đông là lần tuyển dụng thứ ba mà Lỗ tham gia tại Trung Quốc trong vòng một tháng. Những lần trước đó được tổ chức ở Bắc Kinh và Quảng Châu.

Khi Lỗ rời Trung Quốc năm 2001, anh nhớ lại, anh và nhiều bạn bè vẫn hướng đến Mỹ với những cơ hội lập nghiệp. Theo anh, sự thu hút ấy vẫn còn, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã chuyển hấp lực từ Tây sang Đông.

  • Kỳ Thư (Theo LAtimes)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,