221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1166296
Những phận người bên dưới địa đạo ở Gaza
1
Article
null
Những phận người bên dưới địa đạo ở Gaza
,

Cuộc không kích kéo dài suốt 3 tuần của Israel vào Dải Gaza đã tàn phá nhà cửa và cướp đi sinh mạng của bao nhiêu dân thường Palestine, nhưng lại không thể phá hủy hệ thống địa đạo chạy dưới đường biên giới tới Ai Cập.

Cách biên giới Ai Cập chỉ vài bước chân là một túp lều trắng rộng lớn, được căng từ những tấm nhựa và lỗ chỗ những vết đạn. Bên trong, cùng với hàng trăm túp lều nhỏ giống nhau nằm rải rác ở trái phải, là quang cảnh buôn bán tấp nập. Hàng tá người Palestine đang cố gắng vượt qua nền kinh tế bị phong tỏa ở Gaza.

Một người đàn ông Palestin dắt con dê đi qua đường hầm buôn lậu từ Ai Cập tới dải Gaza  dưới đường biên giới tại Rafah. (Ảnh: Guardian)

Ngành kinh doanh bán chính thức

Những đường hầm chằng chịt dưới đường biên giới phía nam Dải Gaza nối với Ai Cập này, mang thực phẩm, quần áo, máy móc cũng như vũ khí và đạn dược, bị quân đội Israel coi là một trong những mục tiêu chủ chốt trong chiến dịch tấn công hồi tháng trước. Tuy nhiên, những kẻ buôn lậu tin rằng, các đường hầm của họ quá sâu để có thể bị tàn phá, thậm chí còn đủ sức đương đầu với những đợt bom tấn dội từ những chiếc F-16 của Israel.  

Bên trong chiếc lều trắng lớn là một giá gỗ treo đầy những chiếc áo jacket. Phía bên phải là một bảng mạch điện với 5 ổ cắm. Dây điện từ phía sau trực tiếp nối với nguồn cung cấp điện năng của thành phố Rafah. Từ phía trước, một sợi dây chạy ra phía ngoài để cung cấp điện cho hệ thống dây tời. Phía ngoài lều đặt một thùng nhựa màu đen chứa nước ăn. Tất cả những thứ này đều được đăng ký và phải thanh toán. Buôn lậu ở Gaza cũng là một ngành kinh doanh bán chính thức.

Các hoạt động buôn lậu tập trung vào cái giếng của đường hầm. Tại nơi đó, hai người đàn ông đang cúi xuống điều khiển những dây tời. Một sợi dùng để kéo hàng từ phía Ai Cập, sợi còn lại chuyển trả những thùng rỗng để lấy tiếp hàng. Công việc ở đây được tiến hành không ngừng nghỉ. Cứ 30 giây một trong những người đàn ông phía dưới lại hô to: “Nâng lên” và người ngồi cạnh miệng giếng mở công tắc hệ thống tời và kéo chiếc bao đựng hàng lên.

Hàng hóa họ có được hầu hết là thức ăn, linh kiện ô tô, một vài gói nhỏ đựng đồ lót nữ, máy phát điện… nhưng không có thuốc men và chất có cồn, những loại hàng bị Hamas cấm. Những thứ như vũ khí hay nguyên liệu phục vụ quân đội đều được chuyển tới những đường hầm kín đáo hơn.

Abu Zeid, 22 tuổi, một công nhân làm việc tại đường hầm cho biết: “Không có những đường hầm này, mọi hoạt động sẽ tạm dừng ở Gaza. Họ nói rằng, chúng tôi là những tên khủng bố. Những tên khủng bố nào ở đây? Nếu họ mở cửa đường biên thì chúng tôi việc gì phải làm công việc này?”

Kể từ khi Israel thi hành lệnh phong tỏa kinh tế ở Gaza vào giữa năm 2005, đóng cửa toàn bộ các hoạt động với thế giới bên ngoài, nghiêm cấm mọi hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ cho phép một danh mục hạn chế những hàng hóa nhân đạo, cuộc sống của hơn 80% người dân ở Dải Gaza phải lệ thuộc vào trợ cấp.

Một vài người ở đường hầm này từng là cảnh sát, một số người khác là nông dân – những người mà kế sinh nhai của họ đã bị chặn đứng hoàn toàn trước lệnh cấm xuất khẩu. Một người cho hay: “Chúng tôi chẳng có gì khác ngoài đường hầm này.”

Những người công nhân này có thể không kiếm được nhiều từ đường hầm này, nhưng những người chủ thì có thể. Chi phí để xây dựng lên đường hầm này vào khoảng 100 nghìn đôla Mỹ và những người chủ của đường hầm sẽ thu lại chỉ trong vòng hai tháng đầu tiên.

Khát vọng hòa bình 

Nhưng không phải tất cả mọi người đều thu được lợi từ ngành công nghiệp đường hầm. Chỉ cách túp lều này một quãng ngắn là nhà của Mohammad Abu Saud, 40 tuổi. Ông đang dành cả ngày để che mấy cánh cửa sổ làm từ những tấm nhựa đã bị vỡ bung và tự hỏi không biết ông còn phải sửa chữa những khe nứt trên tường do bom tấn công đường hầm gây ra đến bao giờ.

Ông cho biết: “Tôi chả thu được lợi lộc gì từ những đường hầm này. Trái lại, tôi đang phải chịu đựng vì chúng. Anh có thể thấy những khe nứt ở đây và trên cửa sổ và cả thực tế là giá cả ở chợ đang tăng rất nhiều”. Còn em trai ông thì nói rằng, “nếu không có những đường hầm này, chắc chắn giá cả sẽ là một gánh nặng buộc Hamas phải ngồi lại tìm ra giải pháp. Và giải pháp duy nhất là tái mở cửa đường biên”.

Khoảng nửa tiếng lái xe về phía bắc từ đường biên là nơi ngự trị của một trong những nhà máy chế biến thực phẩm lớn nhất ở Dải Gaza, do anh em nhà al-Wadeya sở hữu. Yaser al-Wadeya ước tính thiệt hại mà quân đội Israel gây ra cho ông vào khoảng 15 triệu đôla. Cho dù ông có tiền để sửa chữa, thì chính sách hạn chế của Israel cũng khiến ông không thể nhập khẩu máy móc mới.

Quân đội Israel nói rằng, cuộc tấn công của họ “không nhằm vào mục tiêu dân thường hay cơ sở hạ tầng của dân, bao gồm các nhà máy, trừ những khu vực Hamas sử dụng vào mục đích khủng bố”. Tuy nhiên, người dân Palestine cho biết, hầu hết các đợt tấn công nhằm trực tiếp vào cơ sở hạ tầng của dân.

Al-Wadeya nói: “Mục tiêu chính của tất cả những hoạt động này là phá hủy hạ tầng cơ sở của nền kinh tế Palestine vốn đã yếu kém. Họ muốn chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ có một nhà nước ở Palestine”.

“Tôi tin rằng, nếu chúng ta sống cùng Hamas và Fatah, chúng ta sẽ không bao giờ làm được bất cứ thứ gì ở Gaza. Chúng tôi cần hai nhà nước hòa bình, Palestine và Israel, cùng tồn tại. Không có điều này, chúng tôi sẽ phải tiếp tục cuộc chiến tranh trong cả thế kỷ tiếp theo”.

  • Hương Mai (theo Guardian) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,