Hiện nay, các nhân tài đang có xu hướng rời khỏi Mỹ và quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn vì họ nhận ra rằng Mỹ không còn là một mảnh đất của những cơ hội đầy hứa hẹn nữa.
Những người có tài khi đến Mỹ đều có tham vọng tìm kiếm cơ hội phát triển tài năng và được làm việc trong những môi trường năng động, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, một sự thật đáng buồn là, nước Mỹ đã không thể giữ chân họ, mặc dù họ là những người có đóng góp rất lớn vào sự đổi mới và phát triển kinh tế Mỹ.
Ngày càng nhiều nhân tài rời Mỹ về quê hương làm ăn (Ảnh: Dailylife) |
Theo những nghiên cứu gần đây nhất, những người nhập cư muốn trở về quê hương để có thể sống một cuộc sống thoải mái hơn, có được những cơ hội nghề nghiệp lớn hơn và một điều quan trọng nữa là được gần gũi với gia đình và bạn bè.
Cuối năm 2006, hơn 1 triệu người nhập cư có năng lực (gồm các kĩ sư, nhà khoa học, bác sĩ và các nhà nghiên cứu) cùng gia đình của họ đến Mỹ đều phải chờ đợi trong một khoảng thời gian rất lâu để có tên trong danh sách 120.000 người nhập cư được cấp thị thực nhập cảnh lâu dài vào nước Mỹ.
Vì số lượng thị thực có hạn như vậy, nên nhiều trong số họ đã bị “bỏ quên” và trở thành người sống ngoài vòng pháp luật, dần dần “chán” Mỹ, đặc biệt là người Ấn Độ và Trung Quốc luôn có xu hướng muốn quay trở về quê cha đất tổ bởi đó là những đất nước có nền kinh tế đang phát triển vượt bậc hiện nay.
Theo một số báo cáo, những người nhập cư là nhân tố quyết định đối với sự phát triển lâu dài về kinh tế của Mỹ.
Tuy họ chỉ chiếm khoảng 12% dân số Mỹ, nhưng người nhập cư đã làm nên 52% các công ty công nghệ ở thung lũng silicon và sở hữu hơn 25% bằng sáng chế trên toàn cầu.
Trong tổng số những người có bằng cử nhân về khoa học và kĩ thuật ở Mỹ hiện nay, người nhập cư chiếm 24%. Còn trong tổng số người có bằng tiến sĩ thì người nhập cư chiếm 47%. Những người nhập cư đã đồng sáng lập ra các tập đoàn, công ty lớn như Google, Intel, eBay và Yahoo.
Những người nhập cư, họ là ai?
Họ là những con người trẻ tuổi, có năng lực và được giáo dục tốt. Ở đây, các nhà nghiên cứu chỉ điều tra về người Trung Quốc và Ấn Độ, nhóm người chiếm số đông trong tổng số người nhập cư đến Mỹ.
Theo nguồn thông tin từ phía Trung Quốc và Ấn Độ, khoảng gần một thập kỉ trở lại đây, người di cư từ hai nước này quay trở về nước sinh sống rất đông nhưng không có số liệu chính xác. Đơn xin việc gửi từ Mỹ về trong vài năm gần đây tăng gấp 10 lần so với trước.
Để hiểu thêm về tình hình làm ăn sinh sống của người di cư đến Mỹ và để trả lời câu hỏi tại sao họ lại rời Mỹ, một nhóm nghiên cứu của trường Đại học Duke, phối hợp cùng với Giáo sư AnnaLee Saxenian của trường Đại học California ở Berkeley và Richard Freeman của trường Đại học Harvard đã tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.
Kết quả nghiên cứu (chỉ áp dụng với hai đối tượng, người Ấn Độ và người Trung Quốc) cho thấy, hầu hết những người rời Mỹ để về nước đều còn rất trẻ, trung bình là 30 tuổi đối với người Ấn Độ và 33 với người Trung Quốc. Họ đều là những người có tài với những tấm bằng xuất sắc về quản lý, công nghệ và khoa học. 51% người Trung Quốc rời bỏ Mỹ có bằng thạc sĩ và 41% có bằng tiến sĩ của Mỹ, con số này với người Ấn Độ lần lượt là 66% và 12.1%.
Có vô số lý do khiến người nhập cư rời Mỹ về quê nhà. (Ảnh: Corbis) |
Vô vàn lý do để ra đi
Sau khi sống ở Mỹ một thời gian, những người nhập cư đều cảm thấy cuộc sống ở đây có rất nhiều mặt hạn chế. Những người quay trở về thường là vì không vượt qua được những rào cản về ngôn ngữ, nỗi nhớ gia đình và bạn bè, sự khác biệt văn hóa…
Khoảng 1/3 người Ấn Độ và 1/5 người Trung Quốc cho biết, sự khó khăn trong việc xin giấy phép nhập cư cũng là một yếu tố quan trọng khiến họ quyết định về nước.
87% người Trung Quốc và 79% người Ấn Độ tiết lộ một lý do nữa khiến họ rời Mỹ là mong muốn được cống hiến tài năng của mình cho quê hương. Có 87% người Trung Quốc và 62% người Ấn Độ thừa nhận, họ có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn ở quê nhà.
Mong muốn được gần gũi gia đình và bạn bè cũng là một yếu tố khác khiến 88% người Ấn Độ và 77% người Trung Quốc rời Mỹ. Về để chăm sóc bố mẹ già là ước nguyện của 89% người Ấn Độ và 79% người Trung Quốc. Gần 80% người Ấn Độ và 67% người Trung Quốc nói rằng, họ muốn về sống ở đất nước mình để có thể gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của đất nước và gia đình được tốt hơn.
Nước Mỹ sẽ khó khăn
Không phải tất cả những người rời Mỹ đều cảm thấy hạnh phúc. Một số người Ấn Độ khi về nước thường xuyên phàn nàn về sự tắc nghẽn giao thông, cơ sở hạ tầng yếu kém, bộ máy hành chính phức tạp, quan liêu và tình trạng ô nhiễm.
Còn người Trung Quốc thì phàn nàn về sự ô nhiễm, sự đảo lộn về văn hóa, điều kiện giáo dục ở Trung Quốc không bằng Mỹ và chất lượng của hệ thống y tế còn kém.
Nước Mỹ có thể không giữ được tất cả những người nhân tài này ở lại trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay. Nhưng nước Mỹ sẽ rất cần tài năng và óc sáng chế của họ để khôi phục lại nền kinh tế.
Tờ Business Week bình luận, nếu tất cả họ đều quay về nước, mang theo cả tài năng, những ý tưởng đầy sáng tạo và không quay lại Mỹ nữa thì nước Mỹ trong tương lai sẽ gặp không ít khó khăn. Việc cần làm bây giờ là Chính phủ Mỹ nên cải tổ chính sách dành cho những người nhập cư và tìm cách giữ chân những nhân tài.
-
Nhật Anh (Theo Business Week)