221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1172064
Tiếng Nhật khó tới mức Thủ tướng cũng phải... "khóc"
1
Article
null
Tiếng Nhật khó tới mức Thủ tướng cũng phải... 'khóc'
,

Đọc tiếng Nhật không dễ dàng chút nào, ngay cả đối với các chính trị gia Nhật Bản. Lấy ví dụ về Thủ tướng Taro Aso. Ông đã phạm nhiều sai lầm về ngôn từ trước công chúng nhiều tới mức một nghị sĩ đối lập đã tìm cách sát hạch khả năng đọc của ông trong một phiên họp quốc hội được truyền hình trực tiếp.

Thủ tướng Aso viết chữ tại một cuộc họp báo ở Tokyo (AP)
Thay vì nói rằng những trao đổi giữa Trung Quốc và Nhật Bản là "thường xuyên", Thủ tướng Nhật lại đọc nhầm thành "cồng kềnh" trong bài diễn văn hồi tháng 11/2008. Một lần khác, ông Aso đọc nhầm từ "toshu" (nghĩa là tiếp sau) thành từ "fushu". Từ này có nghĩa là hôi thối và nghe như thể ông đang nói chính sách của chính phủ là "nặng mùi".

Tuy nhiên, nhầm lẫn xấu hổ nhất của ông Aso là về từ "không có tiền lệ". Viết từ này phải dùng ba chữ Trung Quốc. Ông đã đọc không đúng chữ thứ ba và phạm một sai lầm cơ bản mà khiến một học sinh trung học cũng phải đỏ mặt.

Mặc dù giới truyền thông và các đối thủ chính trị của ông Aso đã nhanh chóng nắm lấy những dịp trên để chế nhạo ông song nhiều người Nhật Bản cũng nhìn thấy chính họ trong những nhầm lẫn của ông Aso. Kể từ đó tới nay, các cuốn sách được xuất bản nhằm cải thiện khả năng đọc của người Nhật đã trở nên rất thịnh hành.

Vấn đề của ông Aso là tiếng Nhật sử dụng một số chữ Trung Quốc và hai bộ chữ bản địa. Để đọc được báo cần biết khoảng 2.000 chữ. 50.000 chữ nữa ít phổ biến hơn song rất hữu ích nếu biết chúng.

Chưa hết, hầu hết các chữ có nhiều cách phát âm khác nhau, tùy thuộc vào ngữ cảnh. Chẳng hạn, hai chữ trong họ của Thủ tướng có thể được đọc theo nhiều cách. Chữ đầu tiên, có nghĩa là vải lanh, được phát âm là "asa" hay "ma". Chữ thứ hai, có nghĩa là sự sống, sống, xảy ra hoặc sinh trưởng, có thể được phát âm là "nama", "sei", "sho" hay "ki". Khi kết hợp với nhau, chúng được phát âm là "Aso".

Trong phiên họp quốc hội được truyền hình trực tiếp hồi tháng trước, nghị sĩ Hajime Ishii đã chỉ trích ông Aso về những va vấp khi phát biểu, nói rằng "Chúng ta nên thảo luận về chữ Trung Quốc". Sau khi giơ lên một tấm bìa với khoảng một chục chữ, ông hỏi: "Liệu ngài có thể đọc được chúng không?".

Ông Aso đã từ chối thực hiện cuộc sát hạch này song nghị sĩ Ishii không chịu buông tha: "Hôm nay, những người không thể đọc các từ Trung Quốc sẽ bị chế giễu và mọi người đang đổ xô đi mua sách giáo khoa. Có lẽ ngài đáng được khen ngợi vì đã thúc đẩy doanh số của các cuốn sách đó".

Trên thực tế, các cuốn sách thúc đẩy khả năng đọc tiếng Nhật đang bán rất chạy. Một cuốn sách có tựa đề là "Những chữ Trung Quốc trông dễ đọc song lại dễ đọc sai" được xuất bản cách đây một năm. Hơn 800.000 cuốn đã được bán hết, chủ yếu là từ khi những nhầm lẫn của ông Aso được công chúng Nhật chú ý vào tháng 11/2008.

"Chúng tôi biết ơn Thủ tướng Aso. Nhiều người không muốn nhầm lẫn giống ông ấy", phát ngôn viên Yukiko Sakita của Công ty phát hành Futami Shobo, cho biết. Cuốn sách này đã giữ vị trí dẫn đầu trong xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất hàng tuần của nhà phân phối sách lớn nhất Nhật Bản - công ty Tohan - kể từ đầu năm 2009. Cuốn "Những bài diễn văn của Obama" đã xếp thứ hai trong nhiều tuần trước khi tụt xuống vị trí thứ 17 trong tuần này.

"Một cuốn sách như vậy giữ vị trí số một là điều rất đặc biệt. Về xếp hạng sách thì ông Aso đã đánh bại ông Obama", quan chức Hiroki Tomatsu của Tohan nói.

Các tạp chí lá cải đã tập hợp danh sách các từ mà ông Aso đọc nhầm và quy điểm yếu này là do ông yêu thích các cuốn truyện tranh. Tại một trường học ở Fukuoka, quê hương của ông Aso, trẻ em đọc sai thường bị gọi là "Taro bé con".

Một số chuyên gia thừa nhận ông Aso không đơn độc trong cuộc chiến với chữ viết. "Không chỉ riêng ông Aso. Tôi cảm thấy kinh khủng khi chế nhạo việc ai đó đọc nhầm. Bạn đã từng bao giờ nhầm lẫn trong quá khứ chưa?", nhà báo Kenichiro Horii viết trên tạp chí Weekly Bunshun.

Theo khảo sát năm 2007 của chính phủ Nhật Bản, 1/5 người Nhật ở độ tuổi từ 16 trở lên thường gặp những chữ Trung Quốc mà họ không thể đọc. Trong khi đó, 1/3 gặp khó khăn khi viết mà không tra từ điển. Gần 50% nói rằng họ vẫn cần nắm vững 2.000 chữ được coi là cần thiết đối với cuộc sống thường ngày.

Tiếng Nhật quả là khó!

  • Minh Sơn (theo AP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,