96 người từ Trung Quốc đã tới sân bay quốc tế Đào Nguyên gần Đài Bắc, sau khi trả hàng trăm USD để tham gia một cuộc thi tài năng âm nhạc với giải thưởng rất lớn và họ phát hiện ra đã bị lừa.
Vì khó khăn, mất việc, ngày càng nhiều người bị mất tiền trong các trò lừa đảo. (Ảnh: Wordpress) |
Một kẻ bịp bợm đã giả mạo giấy mời từ thành phố Đài Bắc, đút túi lệ phí tham dự cuộc thi của các ứng viên và bỏ rơi họ tại sân bay. Một số người giận tới nỗi từ chối trở về nhà.
Những cảnh tượng như vậy ngày càng xuất hiện nhiều tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi vì kinh tế sụt giảm mà rất nhiều người mong muốn tìm được điều may mắn.
"Chúng tôi ngày càng chứng kiến có nhiều nạn nhân bị lừa vì khủng hoảng kinh tế”, Hu Yiu-kong, một nhà tội phạm học tại Đại học Hong Kong cho biết. "Người Trung Quốc thích kiếm tiền nên dễ bị mắc bẫy. Họ tin vào cơ hội may mắn đặc biệt trong thời khắc khó khăn”.
Các khu vực kinh tế ở châu Á dựa vào thương mại đang gặp khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Singapore, Hong Kong, Nhật Bản... lâm vào suy thoái, hàng loạt công ty lớn trong khu vực cắt giảm sản xuất, sa thải nhân công, dừng tuyển nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Theo các nhà tội phạm học, các tay bịp bợm thường kiếm bộn tiền nhất là trong môi trường suy thoái kinh tế. Những trò lừa đảo mà cảnh sát cho rằng dễ gia tăng trong thời buổi khó khăn là: Lừa tìm kiếm việc làm, chiếm đoạt tiền cho vay, bắt mọi người trả phí cao để tham gia các trò may rủi có thưởng lớn hay dụ họ đầu tư với hứa hẹn cơ hội kinh doanh lời lãi.
Một loại hình lừa đảo phổ biến nhất gần đây trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tại Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc đại lục tăng mạnh đó là: Thông báo tuyển dụng và yêu cầu ứng viên đầu tư vào công ty mà họ hy vọng sẽ trở thành thành viên.
Các hãng này và số tiền “đầu tư” sẽ biến mất khi người tìm việc gọi lại để hỏi về khả năng được tuyển dụng. "Chúng tôi không dám tới bất cứ một đại lý việc làm nào bên đường”, Chu Dương, 26 tuổi, đền từ Thâm Quyến nói. “Họ lừa đảo bạn mọi lúc”.
Năm ngoái, tại phía Nam Trung Quốc, một kẻ lừa đảo đã kiếm được 117 nghìn USD bằng cách gửi tin nhắn qua điện thoại di động, sử dụng một tên gọi phổ biến ở Trung Quốc đòi trả lại một món nợ. Hầu hết những người bị lừa nợ tiền nhiều người và cho rằng, họ đang bị ép phải trả tiền.
Theo thống kê của cảnh sát, tỉ lệ tội phạm lừa đảo ở Đài Loan đã tăng 1/3 từ 31.000 vụ năm 2007 tới 41.000 vụ năm 2008. Cảnh sát Hong Kong cũng ghi nhận thực trạng gia tăng mạnh mẽ của các vụ lừa đảo trong quý 4/2008, từ 1.071 lên 1.414 trường hợp.
Tại Singapore, các vụ lừa đảo qua điện thoại và nhiều hình thức khác đã tăng 10% từ 2.917 vụ năm 2006 lên 3.254 vụ trong năm 2008.
"Lừa đảo qua điện thoại sẽ tiếp tục trong thời điểm khó khăn về kinh tế, với nhiều hình thức mới nhằm mục tiêu khiến các nạn nhân hoặc hoang mang, hoặc bị dụ dỗ”, Cảnh sát Singapore cảnh báo.
Ngoài khó khăn kinh tế, sự phát triển công nghệ cũng góp phần gia tăng các vụ lừa đảo, cho phép kẻ bịp bợm mở rộng mạng lưới nạn nhân xuyên biên giới. Thêm vào đó, công nghệ cao còn giúp kẻ gian lận dễ dàng ẩn náu. Trong tổng số vụ việc, cảnh sát tại Đài Loan chỉ giải quyết được khoảng 10%.
Ở Hong Kong, cảnh sát tập trung vào nâng cao nhận thức người dân hơn là lần theo dấu vết cá nhân tội phạm lừa đảo.
-
Kỳ Thư (Theo Reuters)