Trong một bài phỏng vấn công bố hôm 7/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ không thắng trong cuộc chiến ở Afghanistan và đề cập gián tiếp tới việc hội đàm với các phần tử ôn hoà trong Taliban.
Các cựu binh Taliban (Ảnh AFP) |
Nêu bật những thành công trong chiến lược đưa một số phần tử nổi dậy người Sunni tại Iraq tới bàn đàm phán và tách khỏi Al Qeada, Obama nói với tờ The New York Times rằng "có thể có những cơ hội tương đồng ở Afghanistan và Pakistan".
Chiến lược ở Iraq do Tướng David Petraeus, chỉ huy quân Mỹ tại Iraq thời điểm đó tiến hành.
"Nếu bạn trò chuyện với Tướng Petraeus, tôi nghĩ ông ấy sẽ nói: một phần của những thắng lợi ở Iraq là vươn tới những người mà chúng ta có thể coi là người Hồi giáo chính thống, người sẵn sàng làm việc với chúng ta vì họ hoàn toàn xa lạ với những thủ đoạn của Al Qaeda tại Iraq", Obama nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên phiên bản trên mạng của NY Times.
Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ cảnh báo, Afghanistan không phải là Iraq và những nỗ lực hoà giải sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. "Tình hình ở Afghanistan phức tạp hơn. Ở đây, có ít khu vực được cai trị, các bộ lạc lại có một lịch sử về đấu tranh giành độc lập mãnh liệt. Những bộ lạc như vậy có rất nhiều và đôi khi nó xung đột với nhau, vì vậy, nắm bắt tình hình sẽ là thách thức lớn".
Khi vận động tranh cử vào năm ngoái, Obama từng tuyên bố trên NY Times rằng nên khai phá những cơ hội thương thuyết với một số phần tử của Taliban.
Khi được hỏi có phải Mỹ đã thắng trong cuộc chiến Afghanistan không, Obama trả lời "không". Afghanistan được Obama coi là mặt trận trung tâm trong cuộc chiến chống khủng bố.
"Bạn đã thấy là tình hình ở Afghanistan xấu đi trong vài năm gần đây. Taliban liều lĩnh hơn chúng ta nghĩ. Tôi cho rằng bạn có thể lực lượng này tiến hành tấn công theo nhiều cách, thứ mà trước đây chúng ta chưa từng chứng kiến, ở khu vực phía nam. Chính phủ ở Kabul vẫn chưa giành được sự tin tưởng của người dân Afghanistan", Obama nói.
Liên quân do Mỹ lãnh đạo đã lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan ngay sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các chiến binh Hồi giáo đã tái hợp và tiến hành nổi dậy rộng khắp và dữ dội dưới trướng của Taliban.
Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Obama đã xem xét lại chính sách của Mỹ với Afghanistan và Pakistan. Chính sách mới của Tổng thống Obama được dự định công bố trước khi ông tới châu Âu vào ngày 31/3 để tham gia các cuộc họp quốc tế.
Trong quyết định lớn đầu tiên trên tư cách tổng tư lệnh, Obama ra lệnh triển khai thêm 17.000 quân tới Afghanistan với lập luận lực lượng này là cần thiết để ổn định tình hình an ninh tồi tệ tại quốc gia này. Một phần vai trò của lực lượng này là giúp tăng cường an ninh khi bầu cử Tổng thống Afghanistan diễn ra vào tháng 8.
"Chúng ta phải xem xét lại chính sách của mình để các mục tiêu quân sự, ngoại giao và phát triển đều cân bằng, nhằm đảm bảo rằng Al Qaeda và lực lượng cực đoan muốn làm hại chúng ta không có nơi an toàn để từ đó tiến hành các vụ tấn công", Obama cho biết.
Thủ lĩnh mạng lưới Al Qaeda là Osama bin Laden được cho là vẫn đang ẩn náu tại vùng biên giới nhiều núi non giữa Pakistan và Afghanistan, cũng là nơi ẩn náu của lực lượng cực đoan Taliban.
"Chính sách mới về Afghanistan sẽ thông minh hơn chính sách đối với Pakistan. Chừng nào Taliban, Al Qaeda còn có những nơi ẩn náu an toàn tại vùng biên giới mà chính phủ Pakistan không thể kiểm soát hay với tới thì chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những vụ tấn công về phía biên giới của Afghanistan", người đứng đầu nước Mỹ nhận xét.
Hơn hai chục vụ tấn công được cho là do máy bay Mỹ tiến hành đã diễn ra tại Pakistan kể từ tháng 8/2008, làm hơn 200 người chết. Điều này làm tăng thái độ thù ghét Mỹ tại Pakistan, đặc biệt là ở các bộ lạc nằm sát biên giới với Afghanistan.
-
Hoài Linh (Theo AFP, Reuters)