Ngày 9/3, tổ chức xếp hạng tín dụng tư nhân Tokyo Shoko Research đã công bố báo cáo cho thấy các doanh nghiệp Nhật đang thấm đòn khủng hoảng trầm trọng, thậm chí tới “bước đường cùng” là phá sản.
Nhật Bản suy thoái càng nhấn mạnh tình trạng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế xuất khẩu châu Á. Ảnh AFP.
Cụ thể, theo báo cáo thì trong tháng 2/2009, có tới 1.318 doanh nghiệp Nhật Bản tuyên bố phá sản, tăng 10,38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những doanh nghiệp khác không phá sản thì cũng đang lâm vào khó khăn chồng chất. Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã phải sa thải hàng lọat nhân sự do kinh doanh gặp khó khăn. Tập đoàn điện tử Pioneer vừa cắt giảm 10.000 nhân sự trên toàn cầu, Sony cắt giảm 8.000 nhân viên, trong khi Nissan và NEC cắt giảm 20.000 nhân viên mỗi hãng.
Số lượng các vụ phá sản của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng là do nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục lún sâu vào suy thoái.
Theo thông báo mới nhất của chính phủ Nhật Bản ngày, quý 4 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong 35 năm qua trước tác động của cuộc suy thóai toàn cầu.
Từ tháng 10 cho đến tháng 12 năm 2008, tổng sản phẩm quốc nội của nước này (GDP) đã giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất của Nhật Bản kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974. Con số này cũng lớn hơn nhiều so với mức thu hẹp 3,8% của Mỹ và 1,2% của khu vực đồng euro.
Việc sụt giảm này càng nhấn mạnh tình trạng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế xuất khẩu châu Á trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống và cho thấy dấu hiệu sẽ còn nhiều đợt cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất và lợi nhuận trong những tháng tới.
Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 2,6% năm 2009, lớn hơn mức sụt giảm bình quân dự đóan của khu vực các nước đang phát triển là 2%.
-
Nhật Vy (Theo Reuters, Market Watch, AFP)