Nga, phương Tây sẽ phạm một sai lầm lớn nếu phớt lờ hoặc đánh giá thấp mối đe dọa tên lửa và hạt nhân tiềm năng của Iran, một chuyên gia quân sự Nga nhận định hôm 12/3.
Mối đe dọa tiềm tàng
"Iran đang tích cực tiến hành một chương trình phát triển tên lửa. Tôi không nói rằng, Iran có thể phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tương lai gần, song những tên lửa đó có khả năng đe dọa toàn châu Âu", Thiếu tướng Vladimir Dvorkin, Giám đốc Trung tâm các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, nói.
Việc Iran có vũ khí hạt nhân sẽ khiến các quốc gia phi hạt nhân tìm kiếm vũ khí tương tự. (Ảnh: Rian)
Một số nguồn tin phương Tây và Nga khẳng định, Iran có lẽ đang tiến hành chương trình phát triển một loại tên lửa hoàn toàn mới, có tầm xa 4.000-5.000km. Chương trình này mang tên Dự án Koussar. "Từ lâu Iran đã từ bỏ các công nghệ tên lửa lạc hậu và có khả năng sản xuất các hệ thống tên lửa phức tạp", ông Dvorkin nói.
Năm ngoái, Iran đã thử thành công tên lửa đạn đạo Shahab-3 cải tiến trong cuộc tập trận của hải quân nước này tại vịnh Persia và eo biển Hormuz. Với tầm xa 2.000km và được trang bị đầu đạn thông thường, nặng 1 tấn, Shahab-3 có khả năng phá hủy các mục tiêu ở Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, bán đảo Ảrập, Afghanistan và Pakistan.
Các cường quốc phương Tây do Mỹ đứng đầu, cùng với Israel, cáo buộc Tehran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo để mang những vũ khí đó. Đáp lại, Iran nói rằng cần chương trình hạt nhân để sản xuất điện năng và chương trình tên lửa nhằm mục đích thám hiểm vũ trụ.
Iran đã kiên quyết bác bỏ các yêu cầu của quốc tế ngừng chương trình hạt nhân, tuyên bố dự định sử dụng nhiên liệu uranium được làm giàu ở tổ hợp Natanz cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do nước này tự xây dựng. Nhà máy này sẽ chính thức hoạt động vào năm 2016 tại thành phố Darkhovin.
Tehran đã tuyên bố hồi cuối tháng 2/2009 rằng, nước này đã có 6.000 máy li tâm đang vận hành ở Natanz và dự định lắp đặt tổng cộng 50.000 máy để làm giàu uranium trong 5 năm tới.
Khả năng xung đột hạt nhân
Bình luận về chương trình hạt nhân của Iran, ông Dvorkin nói nguy hiểm tiềm năng về khía cạnh quân sự của chương trình này không phải là khả năng Iran tấn công hạt nhân một số nước mà là khả năng theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn trong việc đối phó với cộng đồng quốc tế, sau khi trở thành cường quốc hạt nhân.
"Mối đe dọa thực sự là rằng Iran, nước đang phớt lờ mọi nghị quyết và các lệnh trừng phạt của LHQ, sẽ không thể bị ai động tới sau khi trở thành cường quốc hạt nhân. Iran sẽ mở rộng sự ủng hộ các tổ chức khủng bố, trong đó có Hamas và Hezbollah", Thiếu tướng Dvorkin nói.
Ông nói thêm, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có thể buộc các quốc gia phi hạt nhân tìm kiếm vũ khí tương tự và công nghệ tên lửa đạn đạo. Do vậy, một cuộc chạy đua hạt nhân sẽ bắt đầu và gia tăng khả năng xung đột hạt nhân.
Tướng Dvorkin đã tham gia vào soạn thảo các tài liệu chiến lược lớn cho Lực lượng hạt nhân chiến lược và tên lửa chiến lược của Nga.
Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông đã tham gia vào việc chuẩn bị Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung và các hiệp ước START I và START II. Ông đã có những đóng góp lớn vào việc xây dựng chính sách của Nga tại các cuộc đàm phán giảm, kiểm soát vũ khí phòng vệ chiến lược.
-
Minh Sơn (theo Rian)